MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: 'Sẽ có công cụ cho phép kết nối F0 với người thân'

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: 'Sẽ có công cụ cho phép kết nối F0 với người thân'

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết đã chỉ đạo trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19, Cục Tin học hóa, Sở Y tế TP HCM triển khai thí điểm công cụ kết nối F0 cho phép người nhà có thể tra cứu thông tin người thân ở một mức độ mà người dân quan tâm.

Sẽ triển khai thí điểm công cụ kết nối giữa F0 với người thân

Sáng nay (24/8) đã diễn ra buổi tọa đàm trực tuyến "Kết nối trong đại dịch" xoay quanh các vấn đề trong việc sử dụng các nền tảng, ứng dụng công nghệ trong việc kết nối, điều trị, hỗ trợ phòng chống Covid-19. Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp để khắc phục những mặt hạn chế vẫn còn tồn tại khi áp dụng công nghệ trong việc kết nối.

Tại đây, chia sẻ về các nền tảng và ứng dụng kết nối người bệnh với bác sĩ và cơ sở y tế, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, công nghệ đã góp phần quan trọng trong nhiều khâu, đầu tiên là bệnh viện tuyến trên với các tuyến dưới để tư vấn từ xa. Hiện nay, đã có 2.000 điểm kết nối, 100% bệnh viện tuyến trung ương với tuyến huyện, nhiều ứng dụng để kết nối chăm sóc sức khỏe, kết nối bác sĩ với bệnh nhân như VOV - bác sĩ 24.

Bên cạnh đó, trong đợt dịch lần này, công nghệ không chỉ giúp bệnh viện kết nối với nhau, mà còn là bác sĩ với người cần tư vấn, người khó khăn và người có khả năng giúp đỡ, ví dụ các ứng dụng hỗ trợ nhu yếu phẩm SOSmap, Zalo Connect... được nhiều người hưởng ứng.

"Như Zalo hàng tháng có 50 triệu người dùng. Khi phát triển Zalo Connect, chúng tôi thấy ứng dụng đã thể hiện được hiệu quả. Trong 15 ngày ghi nhận 320 nghìn lượt nhận trợ giúp. Hay như tổng đài 1022 thời gian qua đã triển khai, mỗi ngày nhận khoảng 15-20 nghìn lượt gọi trợ giúp từ các khu phong tỏa. Chúng ta sẽ cần đẩy mạnh các giải pháp này trong thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thông tin.

Có trường hợp như người nhà không thể đi theo chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong khi các bệnh viện quá tải, y bác sĩ quá bận rộn. Nếu bệnh nhân trở nặng và không thể dùng điện thoại, người thân sẽ hoàn toàn không biết được tình trạng của họ. Thứ trưởng cho biết đã chỉ đạo trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19, Cục Tin học hóa, Sở Y tế TP HCM triển khai thí điểm công cụ kết nối F0 cho phép người nhà có thể tra cứu ở một mức độ mà người dân quan tâm. Công cụ đang trong quá trình thử nghiệm và cũng đã công bố cho người dân sử dụng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: Sẽ có công cụ cho phép kết nối F0 với người thân - Ảnh 1.

Ứng dụng hỗ trợ nhu yếu phẩm Zalo Connect ghi nhận 320 nghìn lượt nhận trợ giúp trong 15 ngày

Việc bảo mật thông tin luôn được đảm bảo từ khâu thiết kế

"Chúng tôi luôn tâm niệm chuyển đổi số sinh ra để giải quyết các nỗi đau của xã hội. Chúng ta cần đi tìm những vấn đề, những nhức nhối của xã hội để giải quyết bằng công nghệ. Những người trong cuộc đôi khi không dễ dàng nhìn ra những vấn đề này, vì vậy cần sự tham gia của từ báo chí, chuyên gia trong và ngoài nước để nêu lên những nỗi đau và giải quyết", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

Liên quan đến yếu tố bảo mật thông tin người dùng các hệ thống phòng chống dịch, Thứ trưởng nhấn mạnh, các ứng dụng được triển khai luôn luôn chú trọng bảo vệ thông tin cá nhân từ khâu thiết kế. Việt Nam luôn cố gắng thể chế hóa, minh bạch hóa điều đó bằng cách ban hành cơ chế vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu trong phòng chống dịch.

"Về câu chuyện bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Đây là câu chuyện mà 5 năm qua, các cơ quan chức năng tại Việt Nam ý thức rất rõ , Các anh có thể thấy trong luật an toàn thông tin mạng năm 2015, lần đầu tiên dành riêng 1 mục có 5-6 điều quy định bảo vệ thông tin cá nhân. Lần đầu tiên Thông tin cá nhân đã được định nghĩa tường minh và được pháp luật bảo vệ", Thứ trưởng nói.

Theo đó, tất cả dữ liệu được thu thập từ các ứng dụng chống dịch chỉ dùng trong chống dịch bệnh. Các dữ liệu không còn giá trị sẽ được xóa khỏi hệ thống. Chẳng hạn dữ liệu khai báo y tế, sau 14-28 ngày có cơ quan giám sát. Khi phát triển Bluezone, nhà phát triển cũng mở mã nguồn để tất cả đều có thể tham gia quan sát.

Đơn giản hóa các công nghệ phục vụ người dân

Trở lại với câu chuyện về kết nối giữa người dân với chính quyền, từ góc độ cơ quan nhà nước, chính quyền, chúng tôi khẳng định là các bộ khi triển khai, đều xuất phát từ mong muốn làm sao phục vụ người dân tốt nhất, làm sao người dân sử dụng đơn giản nhất

Trong quá trình làm, các bộ đã ngồi với nhau và đi đến một số thống nhất, đã có thống nhất đã được và đang triển khai. Cụ thể, đầu tiên là tập trung dữ liệu lại một chỗ, tức tập trung dữ liệu và các ứng dụng liên thông dữ liệu với nhau theo một tiêu chuẩn. Tiếp theo là đưa ra các tiêu chuẩn chung trong kết nối. Ví dụ thời gian vừa rồi, Các phần mềm thống nhất sử dụng 1 chuẩn QR code. Người dân chỉ dùng 1 QR Code, và đi đâu cũng sẽ thông suốt.

"Tất nhiên vẫn có những vấn đề phải giải quyết, bởi cứ khi có 1 vấn đề, 1 nghiệp vụ phát sinh thì luôn có yêu cầu phải gấp, dẫn đến phải phát triển những chức năng mới, vì thế lại phải giải quyết các vấn đề liên thông dữ liệu mới. Về nguyên tắc, chúng tôi luôn mong muốn tạo ra giải pháp thức sự đơn giản", Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

Kết thúc buổi tọa đàm, Thứ trưởng tin tưởng rằng công nghệ không chỉ hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh, mà còn hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội sau này. Nhưng công nghệ cũng chỉ là công cụ, còn hiệu quả, mức độ sử dụng đến đâu còn phụ thuộc vào người dùng. Công nghệ cần đi đôi với người dùng, hệ thống dùng, quy trình dùng.

"Trong thời gian qua, chúng tôi đã chứng kiến không ít những câu chuyện thành công những cũng có những câu chuyện không hiệu quả. Nhưng tôi luôn có niềm tin công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, và là công cụ vận hành không thể thiếu trong bất cứ hoạt động gì trong tương lai." - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên