Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Chống buôn lậu, hàng giả đâu chỉ riêng trách nhiệm Bộ Công thương
“Ban Chỉ đạo phòng, chống gian lận thương mại gồm nhiều cơ quan chứ không chỉ riêng bộ Công thương. Bộ Công thương không né tránh trách nhiệm nhưng phải phân định rõ trách nhiệm của bộ với các bộ ngành, và giữa cơ quan trung ương với các địa phương", Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nói.
Trao đổi bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 1/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận một số vụ việc hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại vừa qua như vụ Khaisilk đã cho thấy có lỗ hổng trong quản lý Nhà nước.
“Lỗ hổng đó xuất phát từ cả cấp trung ương hay cấp địa phương, do hoàn cảnh khách quan hay chủ quan”, ông Hải nói. Vị này cho rằng, nhiều địa phương làm tốt việc chống buôn lậu, hàng giả nhưng chắc chắn sẽ có địa phương làm chưa tốt.
“Không loại trừ ở một nơi nào đó, trong đó nhiều lực lượng có cả quản lý thị trường còn có cả việc vi phạm đạo đức công vụ, thậm chí có cả bảo kê”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, để thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Chính phủ phải lập ra Ban chỉ đạo quốc gia 389. Lực lượng chống buôn lậu có sự tham gia của nhiều bộ ngành và địa phương như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường, công an, thuế… chứ không riêng gì Bộ Công thương.
"Nhưng lực lượng quản lý thị trường thì trực tiếp địa phương quản lý là chủ yếu. Bộ, theo quy định của pháp luật chỉ là chuyên môn, phối hợp. Lực lượng quản lý thị trường ở tại địa phương còn mỏng, do đó việc chỉ đạo điều hành còn bị cắt khúc và gặp những khó khăn nhất định", ông Hải cho biết.
Thứ trưởng Công thương cho rằng phải nhìn nhận sau những vụ việc như Khaisilk, sự vào cuộc của các cấp các ngành, các địa phương cũng cần phải có những sự chủ động và quyết liệt.
"Vụ việc trực tiếp tại địa bàn thì chính quyền địa phương phải chủ động do có đủ các lực lượng”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại có các thành phần. "Bộ Công thương không né tránh trách nhiệm nhưng phải phân định rõ trách nhiệm của bộ với các bộ ngành, và giữa cơ quan trung ương với các địa phương. Thậm chí xem lại trách nhiệm của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng. Tất cả đều có chức năng, nhiệm vụ để giúp cho việc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tốt hơn bây giờ", ông Hải nói.
Ngoài ra, ông Hải cho rằng cần phải chống buôn lậu từ biên giới, chống buôn lậu phải đi từ nước ngoài vào.
“Khaisilk cũng phải nhập từ nước ngoài vào, nhưng hàng khăn lụa đó có nhập đường chính thống không hay qua đường tiểu ngạch, nhập qua đường nào các cơ quan liên quan cũng không quản lý hết”, ông Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng trường hợp của Khaisilk vi phạm rất nhiều quy định của pháp luật và cả đạo đức kinh doanh.
“Người tiêu dùng cần nâng cao kiến thức để bảo vệ quyền lợi của mình. Có người biết đó là hàng không phải của Việt Nam. Một số người cho rằng hàng đó rẻ hơn, tốt hơn là sẵn sàng sử dụng, không chú ý cũng như không ý kiến với bất kỳ cơ quan quản lý nào cả’, ông Hải nói.
BizLIVE