Thư từ nước Mỹ: Một "đại dịch" thầm lặng ập đến cùng COVID và nỗi tuyệt vọng khi gặp bác sĩ
Từ tháng Ba năm ngoái đến giờ, dường như hầu hết các gia đình Mỹ đều nghe tiếng lục sục trở mình của các thành viên trong đêm.
- 12-09-2021Thư từ nước Mỹ: Học online sung sướng lắm, nếu bạn là...
- 06-09-2021Thư từ nước Mỹ: Mỹ "không để ai bị bỏ lại phía sau", trừ khi... họ muốn như vậy
- 30-08-2021Thư từ nước Mỹ: Cứu viện từ Trung Quốc, trải nghiệm khủng khiếp và lý do khiến tôi từ bỏ giấc mơ "hành xác"
Covid-19 như trêu ngươi số phận, lắng xuống ở nơi này thì lại bùng lên ở nơi khác, khiến thế giới đã lâu rồi chưa có nổi một ngày bình yên. Và tôi vẫn chưa thể về nhà sau 18 tháng mắc kẹt ở Mỹ. Cũng là 18 tháng tôi chưa một đêm nào ngủ trọn giấc. Bằng chứng là bây giờ chẳng biết tôi giống người hay giống gấu trúc hơn – mắt quầng thâm và khuyến mại thêm hai bọng mắt xấu xí.
Rồi tôi chợt nghĩ chắc gì mình đã là người duy nhất, biết đâu là có nhiều người khác cũng gặp phải vấn đề tương tự. Và quả thực, từ tháng Ba năm ngoái đến giờ, dường như hầu hết các gia đình đều nghe tiếng lục sục trở mình của các thành viên trong đêm. Nước Mỹ vẫn chưa ngủ ngon trở lại. Theo một khảo sát đầu năm 2020, khoảng 20% người dân Mỹ gặp phải vấn đề về giấc ngủ. Năm 2021, con số này đã tăng lên 60%. Có vẻ như chứng khó ngủ đã trở thành một thứ bệnh dịch song hành cùng với Covid!
Thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều gây ra các vấn đề về sức khỏe tinh thần và thể chất, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ mắc Covid. Ngủ không đúng cách ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, làm tăng khả năng nhiễm Covid hoặc một số bệnh khác, hoặc khiến cho bệnh trầm trọng hơn.
Rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng: đặc biệt là bệnh tim mạch và tiểu đường. Rồi suy giảm trí nhớ, suy giảm khả năng chú ý và khả năng tư duy. Chưa kể đến các chứng bệnh như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo lắng và rối loạn căng thẳng.
Có hai biến thể của rối loạn giấc ngủ: ngủ quá ít (mất ngủ) và ngủ quá nhiều. Tôi thì chẳng hiểu sao mà lại được "thụ hưởng" cả hai. Ngủ quá ít là khi bạn khó đi vào giấc ngủ và sau đó thì ngủ li bì, rồi cuối cùng là thức dậy sớm. Ngược lại, việc cố gắng ngủ càng nhiều càng tốt lại có thể dẫn đến chứng rối loạn trầm cảm vì việc ngủ như vậy chẳng qua là một cách trốn tránh thực tại, giúp chủ thể quên đi mọi vấn đề căng thẳng đang phải đối mặt. Ngủ như vậy chỉ khiến người ta thấy mệt hơn khi thức giấc.
Rất dễ nhận biết nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ trong thời gian này. Người ta lo lắng về nguy cơ nhiễm Covid, lo lắng về việc phải đối mặt với một cái chết đầy đau đớn trong nỗi kinh hoàng. Nhiều người thì lo lắng về việc tiêm chủng và biến chứng sau tiêm để rồi đến lúc tiêm xong thì lại tiếp tục lo lắng rằng vắc xin đó vẫn không thể bảo vệ họ khỏi những biến thể Covid mới, hoặc rằng sắp tới đây cơ thể của họ sẽ phải chịu đựng nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng mà các nhà khoa học hiện giờ chưa có đủ thời gian để đưa ra câu trả lời có căn cứ. Và họ lo lắng cho sức khỏe của con cái, cha mẹ, ông bà và anh chị em của mình.
Nhiều người thì lo lắng về công việc, về hoạt động doanh nghiệp của họ và của đối tác, bạn bè. Họ còn lo lắng cho cả chú rùa cưng của mình. Họ lo lắng về hạnh phúc của làng quê, thành phố và đất nước của họ. Họ lo lắng xem làm sao để gia đình có đủ ăn trong thời gian bị cách ly. Họ lo lắng cả về tình trạng của những người vẫn thường cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho họ mà giờ đây không làm được gì vì mọi hoạt động đều bị đóng băng. Họ lo lắng về sự lây lan của Covid từ nhà này sang nhà khác.
Người ta lo lắng rất nhiều về rất nhiều thứ, chỉ ước mong sao khi lên giường cũng như khi thức giấc có thể nghe được những thông tin tốt lành về đại dịch, vắc xin và tác động của chúng. Con virus này quả là có sức biến hình không tưởng – ngày hôm nay nó lừa người ta nghĩ rằng mọi chuyện đang tốt lên để ngày mai lại đẩy người ta vào cơn tuyệt vọng mới.
Ngoài sự lo âu và phiền muộn, người ta thậm chí còn chẳng có cơ hội tập thể dục ngoài trời. Hít thở không khí trong lành giờ đây đã trở thành một điều vô cùng xa xỉ. Người ta lo lắng đến mức độ kể cả nhà ở tít trên tầng cao cũng không dám mở cửa. Mọi tương tác trực tiếp với bạn bè, họ hàng, hàng xóm và đồng nghiệp đều được đặt ở chế độ đóng băng. Vậy đấy, mọi thứ bình thường bây giờ đều là quý giá. Chỉ có những nỗi lo âu đi cùng người ta đi vào giấc ngủ rồi khiến người ta thức dậy bất chợt trong đêm.
Covid khiến con người trở nên hướng nội - không còn cơ hội đến nhà hàng ngoài trời, đến công viên, mua sắm trên đường phố và trong chợ thì còn biết làm gì nếu không lên mạng. Và người ta cũng đang ăn nhiều hơn, uống nhiều hơn, khiến cơ thể mình nở ra như những quả bóng bay.
Giống như hầu hết cánh đàn ông, tôi cực kỳ ghét đi khám bệnh. Tôi sợ rằng việc đến bệnh viện sẽ khiến tôi lây nhiễm chính những căn bệnh của các bệnh nhân khác trong phòng chờ. Vì vậy, khi tôi nhìn thấy một bệnh nhân được quấn băng kín người, não của tôi ngay lập tức rung lên hồi chuông báo động: Đó có thể là tôi đấy! Nhưng mặt khác, tôi cũng lo sợ rằng biết đâu mình đang ủ nhiều bệnh nặng, đang yên đang lành giở ra đi khám thì có khác nào tự mình thò tay giật dây quả bom nổ chậm. Tôi không muốn điều đó xảy ra. Nên tôi tự trị liệu cho mình: mặc kệ, đừng nghĩ đến thì mọi vấn đề rồi cũng qua đi. Bởi những người đàn ông đích thực sẽ không cần gặp bác sĩ!
Vậy mà thật đau đớn, chứng rối loạn giấc ngủ kéo dài suốt cả một năm rưỡi đã hành hạ tôi đến mức tôi buộc tôi phải tìm đến sự giúp đỡ của một chuyên gia về giấc ngủ. Được cái là đến giờ mới đi gặp bác sĩ thì không ai có thể nói là tôi đã vội vàng.
Cuộc thăm khám có thể được tóm tắt thế này: Bác sĩ nói, hãy ngừng bất cứ việc gì ông đang làm thì ông sẽ tức khắc ngủ được. Tôi nghĩ: nếu tôi có thể thư giãn đầu óc và ngừng lo lắng về nguy cơ nhiễm Covid, mắc ung thư, gãy chân và nổi hàng trăm nốt phát ban đỏ rực trên da… thì ngay từ đầu tôi đã không cần đến bác sĩ chết tiệt nào cả. Và, tôi sẽ đâu phải mất 150 đô la tiền phí khám kia chứ!
Rồi tôi van xin bác sĩ hãy cho tôi một ít thuốc ngủ, nhưng vô ích! Giống như ở Việt Nam, việc được kê đơn thuốc ngủ là vô cùng khó, trong nhiều trường hợp chả khác nào "nhiệm vụ bất khả thi". Bác sĩ còn bảo tôi rằng trị mất ngủ bằng thuốc ngủ không phải là cách làm khôn ngoan. Rằng làm vậy là tôi dễ bị mắc chứng nghiện (mà ý bác sĩ là nghiện ngủ sao?). Và rằng vậy là chẳng khác nào "chữa lợn lành thành lợn què". Trời ạ, nhưng mất ngủ 18 tháng rồi, tôi thà cứ nên làm "lợn què" chẳng phải sẽ tốt hơn sao?
Cuối cùng, bác sĩ đưa cho tôi một trang giấy có ghi sẵn một số lời khuyên hữu ích. Đúng cách làm của người Mỹ - bệnh nhân có bệnh đi khám bác sĩ, bệnh nhân trở về nhà với một trang giấy ghi đầy đủ các vấn đề đang gặp phải mà họ đã quá rõ từ trước khi khám. Đơn giản chỉ là để sau này bệnh nhân đừng có nghĩ đến việc kiện bác sĩ, bởi bác sĩ đã khuyến cáo đầy đủ rồi.
Trang giấy của bác sĩ cấp cho tôi chính là một danh sách khuyến cáo hữu ích: Đừng có ngồi ì cả ngày trên ghế đệm như một củ khoai tây. Đừng ăn quá nhiều. Hãy tập thể dục đi. Không nạp đồ uống có chứa caffeine sau 2 giờ chiều, và tuyệt đối không uống rượu. Chỉ uống sữa ấm hoặc nước lọc. Không sử dụng máy tính, điện thoại di động, Ipad hoặc xem Tivi vào ban đêm. Hãy đọc sách. Lên giường là để ngủ, không làm gì khác. Nếu không thể ngủ được thì hãy làm một việc gì đó giữ cho mình tỉnh táo. Uống nhiều Vitamin, kể cả không có tác dụng thì Vitamin cũng chả hại gì. Và hãy ngừng lão hoá!!!
Và đây mới là lời khuyên quan trọng nhất, quan trọng đến mức có nhấn mạnh đến đâu cũng không đủ để nêu bật được tầm quan trọng của nó: Đừng làm bất kỳ những việc thú vị khiến cuộc sống của bạn vui vẻ như bạn vẫn làm thời tiền Covid nữa – giờ là thời đại Covid rồi, đừng làm thế nữa!
Điều quan trọng nhất đó có lẽ đã được thể hiện đầy đủ trong một bài hát của Bobby McFarrin (Bài hát có tên: Don’t worry, be happy – Đừng lo lắng, hãy vui lên):
"…Đây là một ca khúc nhỏ xinh tôi đã viết
Mong bạn hãy ca lên từng lời, từng lời
Đừng lo lắng gì, xin hãy cứ vui tươi
Cuộc sống nào cũng có những lo lắng chơi vơi
Nhưng sầu não chỉ khiến lo âu tăng lên gấp đôi
Nên đừng lo lắng gì, xin hãy cứ vui tươi."
Và tôi đã làm như vậy – tôi dành rất nhiều thời gian để cố gắng nhìn ra những khía cạnh tích cực của việc phải xa gia đình, của nỗi lo sợ cho sự an nguy của bản thân, của mọi sự hạn chế do nước Mỹ đóng cửa và các hoạt động bị gián đoạn... Cuộc tranh đấu với những suy nghĩ tiêu cực vẫn đang tiếp diễn từng ngày, từng giờ trong tâm thức của tôi.
Nếu là ngày xưa, chẳng phải là khi bạn bị cha mẹ nhốt trong nhà thì kiểu gì cũng tìm cách thoát thân và rủ bạn bè đi trốn đi xem xiếc cho vui sao. Nhưng đó đã trở thành điều không tưởng trong thời Covid!
Doanh nghiệp và tiếp thị