MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Cán bộ làm tín dụng nhất thiết phải gần dân, sát dân

17-10-2017 - 07:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo Thủ tướng, cán bộ làm tín dụng, hệ thống làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của người vay vốn.

Chiều 16/10 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến của Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển xã hội, tạo xung lực cho giảm nghèo bền vững.

Đến nay đã có gần 32 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn, doanh số đến nay là 433.000 tỷ đồng, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo và trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn để xuất khẩu lao động. Trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên vay vốn học tập và nhiều chương trình quan trọng khác về xóa đói giảm nghèo như 9,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn…Việc tiếp cận vốn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn lực tài chính được bảo đảm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người nghèo.

Nói về NHCSXH thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận tín dụng ngân hàng, Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến này. “Chúng ta có hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, đối tượng đến gần 7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có dư nợ nhưng tỉ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,81%, con số rất thấp so với các ngân hàng thương mại”, Thủ tướng nói. “Đấy là số liệu hết sức đáng mừng”. Con số này thể hiện thành công trong quản lý, nói lên chất lượng, đối tượng cũng như cán bộ làm tín dụng của NHCSXH đã tận tâm, tận lực.

Cho rằng một yếu tố làm nên thành công này là hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, nhiều địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho chi nhánh NHCSXH.

Nhắc lại chuyến công tác hồi đầu năm nay tại địa bàn “4 khó” của đất nước là xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, nơi có đông đồng bào dân tộc nhất, nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất, Thủ tướng cho biết, “người ta có báo cáo điển hình là chúng tôi đã được vay vốn NHCSXH như thế này, lý do vì sao chúng tôi vay được thế này và chúng tôi đã phát huy tác dụng thế này”. Điều này cho thấy hệ thống của NHCSXH đã được phổ cập sâu rộng đến các vùng miền.

Cùng với đó, qua hoạt động của NHCSXH, đã khắc phục hạn chế của chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo từ mặc cảm, tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn, không biết cách sử dụng vốn đến ý chí làm ăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Vốn tín dụng chính sách góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm thiểu bất ổn xã hội.

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, còn nhiều việc phải làm bởi nếu để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thành công. Đến nay, cả nước còn 1,9 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu hộ cận nghèo.

Do đó, theo Thủ tướng, cán bộ làm tín dụng, hệ thống làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của người vay vốn.

NHCSXH cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngọc Toàn

Chính phủ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên