MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Cần có phương án để đảm bảo cuối năm không tăng lãi suất

Giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng cho biết cần có phương án từ nay đến cuối năm, đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng nhằm tạo ra sự linh hoạt ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ cần chuẩn bị cho kế hoạch năm 2019 một cách căn cơ, rõ nét bên cạnh việc thực hiện các kế hoạch năm 2018.

Về nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm, Thủ tướng nêu rõ tiếp tục nhất quán ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Theo đó, ông giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước để kiểm soát lạm phát, điều tiết phù hợp các chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa. Các đơn vị này cần hết sức lưu ý điều hành giá xăng dầu, giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, bảo đảm tốt cung ứng hàng hóa, bình ổn giá, không để sốt, khan hàng trong dịp cuối năm, dịp Tết Nguyên đán.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ KHĐT chủ trì, xây dựng kế hoạch, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể để nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, cụ thể đến từng chỉ tiêu, đặc biệt tiêu chí, nhóm chỉ tiêu Việt Nam xếp hạng thấp, có nguy cơ tụt hậu.

Bộ chủ trì, khẩn trương chuẩn bị xây dựng Nghị quyết 01 năm 2019, nghiên cứu kỹ tình hình quốc tế và trong nước, xây dựng ngay kịch bản điều hành năm 2019, đề ra giải pháp, đối sách phù hợp.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, cần điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Đơn vị này phải có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng nhằm tạo thêm sự linh hoạt khi ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính thế giới và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng.

Còn Bộ Tài chính cần chú trọng theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có giải pháp phù hợp, kịp thời để phát triển hiệu quả, bền vững thị trường chứng khoán.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, ông cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2018. Các đơn vị cũng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Với Bộ Công thương, Thủ tướng giao theo dõi sát tình hình kinh tế, thương mại trong và ngoài nước để kịp thời có phản ứng chính sách với những diễn biến mới. Bộ phải rà soát, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Bộ Xây dựng cần nghiên cứu hình thành các mô hình mới về phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh... Đồng thời, Bộ cần chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững và hoàn thiện Đề án "Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh", trình Thủ tướng trong quý IV/2018.

Đối với Bộ GTVT, Thủ tướng giao rà soát, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, cũng như đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm của ngành như Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...

Về du lịch và dịch vụ, Thủ tướng đề nghị "giải mã" các bất cập về du lịch và có hội nghị chuyên đề về vấn đề này, nhất là quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty lữ hành, tránh tình trạng ép giá hoặc phá giá dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh việc tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, vì "nếu để tình trạng như hiện nay thì rất đáng lo ngại".

Thủ tướng cũng giao Bộ KHĐT tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để xóa bỏ các rào cản và thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ.

T.Công

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên