MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống nhân dân!

Chiều 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc tổ chức một hội nghị trực tuyến "4 trong 1" giữa Chính phủ với các địa phương.

Thủ tướng nêu rõ, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến 200 quốc gia, hơn 530.000 người nhiễm và hơn 24.000 người tử vong. Con số này không ngừng tăng lên.

Việt Nam thời gian qua đã chủ động, quyết liệt phòng chống dịch. Theo đó, trong sáng 27/3, Thủ tướng đã ký Chỉ thị hết sức quan trọng, thực hiện các biện pháp khắt khe nhất, coi như "tiền khẩn cấp" khi có nhận định rằng trong 2 tuần tới, dịch có nguy cơ bùng phát.

Việt Nam đang cố gắng giảm hết mức số người nhiễm để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và điều đáng mừng là đến nay chưa có trường hợp tử vong, nhiều người bình phục, xuất viện.

Về tác động của dịch bệnh đến kinh tế, Thủ tướng cho biết, dịch ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh toàn cầu.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới bằng 0, hãng tin Bloomberg cũng cùng nhận định, nhiều nước tăng trưởng âm.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng một cuộc suy thoái kinh tế mới, lớn hơn cuộc suy thoái 2008 sẽ diễn ra trên toàn cầu. Trung Quốc được dự báo tăng trưởng thấp, còn Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước có thể tăng trưởng âm.

"Hôm qua, tôi đã dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, các tổng thống, thủ tướng của các nước dự đều phát biểu rằng phải vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, trở ngại", Thủ tướng nói. Các nước G20, các nước châu Á, Đông Nam Á đã có gói kích thích kinh tế.

Về tình hình trong nước, những tháng đầu năm, chúng ta gặp khó khăn do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề ở các tỉnh miền Nam, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm… Đặc biệt, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt cuộc sống xã hội.

Trước tình hình đó, Thường trực Chính phủ đều có suy nghĩ phải vực dậy nền sản xuất để giải quyết việc làm, tăng trưởng bằng các biện pháp căn cơ, mạnh mẽ. Vì vậy, Thủ tướng cho biết, cần thiết phải tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn.

Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực hàng không, du lịch.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta gặp tình trạng yếu cả cung, yếu cả cầu, "chúng ta phải tìm thấy thị trường mới ở trong nước và thị trường lớn ở nước ngoài", phải có biện pháp giữ ổn định sản xuất kinh doanh, nếu không, không thể giải quyết việc làm và tăng trưởng.

Về giải ngân vốn đầu tư công, một kênh quan trọng cho tăng trưởng, Thủ tướng cho biết, chúng ta có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay.

3 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch còn rất lớn. Câu hỏi đặt ra là làm sao giải ngân hết số vốn này, Thủ tướng nói, lần này có chế tài mạnh như thế nào để giải quyết dứt điểm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, phải kỷ luật như thế nào, điều chuyển vốn như thế nào? Thủ tướng yêu cầu một số bộ, ngành, cơ quan sử dụng nhiều vốn đầu tư phải có biện pháp mạnh mẽ.

Nội dung thứ 3 cần bàn tại hội nghị sắp tới là vấn đề an sinh xã hội khi mà tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp diễn ra trên toàn cầu và ở nước ta. "Cho nên, chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của nhân dân, của công nhân, đối tượng chính sách" – Thủ tướng nói.

Biện pháp nào mạnh mẽ hơn, gói hỗ trợ nào để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng nêu vấn đề. An sinh xã hội là câu chuyện lớn ở nước ta. Bên cạnh đó, ổn định vĩ mô, chống đầu cơ nâng giá, không để tình trạng thiếu gạo cũng như các vật tư, nhu yếu phẩm khác.

Nội dung thứ tư là bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội vì đời sống khó khăn sẽ dẫn tới những nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

Thủ tướng nhấn mạnh, để làm sao như lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch. "Không để tình hình quá xấu rồi mà chúng ta rơi vào thế bị động". Ngay sau khi dịch kết thúc, chúng ta phải bắt tay vào việc thì mới vực dậy được nền kinh tế, nhất là khi những thị trường lớn có liên quan đến chúng ta đã phục hồi mà chúng ta không chuẩn bị tâm thế thì chúng ta thất bại.

    
        Thủ tướng: Chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống nhân dân! - Ảnh 2.     
    

Hà Thư

VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên