MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chấm dứt tình trạng sân trước, sân sau

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chấm dứt tình trạng sân trước, sân sau

Ngày 16/3, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng lưu ý, vấn đề tổ chức thực hiện quan trọng, nhưng không thể thiếu kiểm tra đôn đốc, chấm dứt tình trạng “móc nối, sân trước, sân sau vì lợi ích nhóm”.

Không để “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ là mô hình thiết chế thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng lần đầu tiên được thành lập. Thủ tướng cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng thành lập nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm tối đa nhũng nhiễu làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

“Không để niềm tin của người dân với Chính phủ bị ảnh hưởng. Tôi đã nói, chúng ta không được bắn chỉ thiên, nói chung chung mà không đề cập giải pháp cụ thể”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh “phải bỏ bớt thủ tục cho người dân, doanh nghiệp được nhờ”.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, cái khó đầu tiên và lớn nhất với Tổ công tác là cắt bỏ thủ tục, cắt bỏ lợi ích cục bộ, cá nhân để phát triển đất nước. Nhưng dù khó cũng phải làm, phải đôn đốc liên tục. Thủ tướng ghi nhận nhiều vấn đề còn tồn tại, bất cập, dư luận bức xúc đã được Tổ công tác chỉ ra.

“Riêng 8B Lê Trực là từ khóa trước để lại. Chúng tôi đã có rất nhiều quyết định, văn bản nhưng Hà Nội quá chậm. Tuy nhiên với cách làm quyết liệt cùng tinh thần giữ vững kỷ cương, nhiệm kỳ này chúng ta đã giải quyết dứt điểm”, Thủ tướng cho hay.

Cùng đó, Tổ công tác giúp hoàn thiện thể chế chính sách, góp phần ngăn chặn tham nhũng chính sách, cài cắm lợi ích trong luật, nghị định, giấy phép con… Đáng lưu ý, Tổ công tác không phải cấp trên của các bộ, ngành, địa phương mà là ủy quyền của Thủ tướng. Trước khi Tổ công tác xuống các bộ, ngành, địa phương làm việc, Tổ trưởng phải làm việc với Thủ tướng. Không phải Tổ trưởng tự nói, hay lộng quyền. Thủ tướng đánh giá đây là việc sát với điều hành, không để “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”.

Thủ tướng đề nghị các bộ, các cơ quan, địa phương không được chủ quan, không được sớm bằng lòng với kết quả đạt được, phải tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, không để nợ đọng nhiệm vụ.

“Đây là những ngày cuối cùng của Chính phủ khóa XIV, chúng tôi muốn bàn giao những điều tốt đẹp nhất cho các đồng chí nhận nhiệm vụ mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Ghi nhận những thành quả trong 5 năm hoạt động, Thủ tướng tặng Tổ công tác 8 chữ “quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, thực chất”.

Không ngại va chạm

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, đến nay Tổ công tác đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với hàng trăm lượt làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức; 16 buổi làm việc với các Hiệp hội để lắng nghe phản hồi chính sách, những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn đến cuối năm 2020 chỉ còn 1,8%, giảm 23,4% so với thời điểm thành lập Tổ công tác.

Nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, bức xúc, chậm được xử lý, giải quyết đã được Tổ công tác phát hiện, kiến nghị, giải quyết kịp thời. Điển hình như việc xử lý hơn 24.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng; tiêu hủy các lô hàng hải sản tồn kho cho người dân và doanh nghiệp 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển; một mặt hàng có 2- 3 bộ hay đơn vị thuộc bộ quản lý, cá biệt nhất là sản xuất một thanh socola cần 13 giấy phép chuyên ngành...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, Tổ công tác “không ngại va chạm”, phối hợp chặt chẽ với tất cả bộ, ngành, địa phương để thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động. Dù nhiều lúc còn xảy ra “tranh luận nảy lửa”, song tất cả đều vì mục tiêu đổi mới, cải cách.

Ông ấn tượng sau một số cuộc làm việc giữa Tổ công tác với Bộ Y tế, đã thay thế Nghị quyết 38 bằng Nghị định 15, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Từ đó đã cắt giảm nhiều quy trình thủ tục, điển hình như câu chuyện một thanh socola “gánh” 13 loại phí.

Viện dẫn đánh giá “Việt Nam đứng hàng đầu về chống dịch COVID-19 và bảo vệ tốt nhất nền kinh tế”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, niềm tin của người dân và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với tiến trình phát triển đất nước. Trong các cuộc trao đổi với doanh nghiệp đánh giá về Chính phủ nhiệm kỳ qua, ông Bình cho biết chữ “niềm tin” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong các thông điệp của Chính phủ nhiệm kỳ XIV, nhiều doanh nghiệp đều chọn thông điệp “hành động”.

“Đây là những ngày cuối cùng của Chính phủ khóa XIV, chúng tôi muốn bàn giao những điều tốt đẹp nhất cho các đồng chí nhận nhiệm vụ mới” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Thành Nam

Theo Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên