MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Phấn đấu mức cao nhất để đạt mục tiêu GDP năm 2021 tăng 6%

Sáng ngày 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Thủ tướng đã chỉ ra những kết quả nổi bật, cũng như những thách thức đặt ra trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, giai đoạn 2021-2025.

Nội lực là yếu tố giúp Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực

Thủ tướng cho biết Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021. Trong đó: GDP tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%...

Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...

Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong bối cảnh nhiều khó khăn, đại dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phát triển đất nước, chúng ta hãy đoàn kết, đồng lòng, chung tay hành động quyết liệt, vượt qua thử thách, với tinh thần quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội".

Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, Thủ tướng cho biết chúng ta cũng đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020. Về kinh tế vĩ mô, Thủ tướng khẳng định nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tăng trưởng 9 tháng năm 2020 vẫn đạt 2,12%; cả năm ước đạt 2 - 3%. Thủ tướng đánh giá, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, năm 2020 đạt khoảng 535 tỷ USD mặc dù thương mại quốc tế giảm mạnh, trong đó điểm sáng là xuất khẩu của khu vực trong nước tăng mạnh, 9 tháng năm 2020 tăng trên 20%; xuất siêu 5 năm liên tiếp.

"Thị trường nội địa được chú trọng; công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Thương mại điện tử phát triển mạnh, doanh số tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh", Thủ tướng đề cập.

Nhiều công trình hạ tầng tạo thêm năng lực và diện mạo mới cho đất nước

Thủ tướng nhận định, các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Đáng chú ý, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2019.

6/11 đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được khởi công trong năm 2020. Từ nay đến cuối năm, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ được đưa vào sử dụng; thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; hoàn thành giai đoạn I nâng cấp đường băng của các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn I, chuẩn bị khởi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

"Nhiều công trình hạ tầng về giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, khu công nghiệp, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục... được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước".

Liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, Thủ tướng khẳng định đã được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng năm 2020 đạt gần 60%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn thực chất hơn; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhà nước được nâng lên.

Liên quan đến dịch chuyển cơ cấu ngành và nội ngành, Thủ tướng đánh giá đã đạt được kết quả tích cực, đúng hướng. Cụ thể, tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản ước đạt 41 tỷ USD trong năm 2020.

Đối với ngành du lịch, trước đó đang trên đà phát triển mạnh. Khách quốc tế tăng bình quân gần 30%/năm. Năm 2019 đạt 18 triệu lượt, tăng trên 10 triệu lượt so với năm 2015; năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch.

Nhìn chung, Thủ tướng nhận định 2020 là năm thành công của nước ta với những thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, biến thách thức thành cơ hội, tập trung vào các công nghệ lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thời gian còn lại của năm 2020, Thủ tướng đề nghị: "Cần tiếp tục quyết liệt hành động, đổi mới cách làm, tranh thủ thời cơ, thực hiện 'mục tiêu kép' đã đề ra. Đồng thời, tuyệt đối không chủ quan, thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân gặp khó khăn; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020".

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên