Thủ tướng sắp chủ trì hội nghị rất quan trọng phát triển vùng Đông Nam Bộ
Đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ, mà còn xúc tiến, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư với các chương trình, dự án có ý nghĩa quan trọng.
- 21-11-2022Thủ tướng: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần
- 18-11-2022Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiểm soát lạm phát, tạo động lực tăng trưởng
- 18-11-2022THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT - KIẾN TRÚC SƯ ĐỔI MỚI: Dòng kênh Ông Kiệt
Chiều nay (21/11), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức họp báo về hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới” , hội nghị sẽ được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, 500 đại biểu sẽ tham dự hội nghị.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá, hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước.
Dự kiến, tại hội nghị sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giữa Bộ KH&ĐT với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010. Đông Nam Bộ trở thành vùng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Trong vùng, TPHCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.
TPHCM với mục tiêu trở thành thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo.
Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm.
Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan toả của vùng. Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai thác hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là “dư địa”, cơ hội để Đông Nam Bộ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24, với mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Trong đó, TPHCM phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Chính phủ đang khẩn trương ban hành chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết này.
Chính phủ dự kiến đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cũng như đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
Tiền phong