MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thức ăn tăng giá, lợn hơi bán rẻ, người chăn nuôi ở Cần Thơ đang tính "treo chuồng"

20-05-2022 - 08:40 AM | Thị trường

Thời điểm hiện nay, giá lợn hơi vẫn đang ở mức thấp nhưng người chăn nuôi vẫn phải mua thức ăn với giá cao, nếu tính chi tiết người nuôi sẽ lỗ và chỉ còn nước “treo chuồng”.

Giá thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi hiện tăng cao, trong khi đó giá thịt lợn hơi vẫn ở mức thấp, điều này đã khiến cho các hộ chăn nuôi lợn và các loại gia súc, gia cầm khác trên địa bàn Cần Thơ không mặn mà, nhiều hộ dân buộc phải giảm đàn để chờ tín hiệu thị trường mới tiếp tục tính phương án có nuôi tiếp hay không.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn Cần Thơ vào những ngày cuối tháng 5/2019 đã khiến cho ngành chăn nuôi của Cần Thơ điêu đứng, từ đó kéo theo giá lợn hơi giảm sâu. Đến thời điểm hiện nay, giá lợn hơi vẫn đang ở mức thấp, người chăn nuôi chỉ huề tới lỗ khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao . Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ, giá lợn hơi hiện nay khoảng 59.000 - 60.000 đồng/kg, nghĩa là tăng khoảng 10% so với hồi đầu năm nay. Nguyên nhân giá lợn hơi tăng khoảng 10% là do chi phí chăn nuôi, thức ăn đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg.

Thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, đàn lợn ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ tổng đàn khoảng 20.000 con. Thế nhưng đến nay chỉ còn trên dưới 6.000 con gồm cả lợn giống, sinh sản, hậu bị và lợn thịt. Nhiều hộ, trang trại buộc phải treo chuồng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Hộ ông Nguyễn Văn Bình, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh trước đây nuôi trên 300 con lợn, nhưng từ khi giá thức ăn tăng cao buộc ông phải giảm quy mô đàn, giờ chỉ nuôi đàn nái sinh sản để duy trì lợn giống và chờ giá thức ăn giảm mới có thể tái đàn.

“Bình quân mỗi lần thức ăn tăng giá từ 200 – 300 đồng/kg và mỗi bao 25kg sẽ tăng từ 7.000 – 8.000 đồng. Những hộ nuôi chuyển qua thức ăn cám bột, cám gạo sẽ tốn kém hơn, bởi mọi năm cám gạo rẻ nhưng năm nay cám gạo giá lúc nào cũng cao”, ông Bình nêu thực trạng.

Giá lợn hơi tăng khoảng 59.000 - 60.000 đồng/kg do tỷ lệ tái đàn ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các tỉnh miền Đông khá thấp, khiến nguồn cung trong các hộ nuôi giảm. Với mức giá như hiện nay, nuôi có lời nhưng chưa nhiều đủ để duy trì các hoạt động chăn nuôi và nhiều hộ dân đã giảm đàn.

Bà Phan Thị Út, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh cho biết, số lượng chuồng trại bỏ trống tại địa phương đang gia tăng, nhiều hộ chăn nuôi thấy không có lời nên họ cũng không đầu tư để nuôi.

Tại trang trại chăn nuôi Tường An Agri của huyện Cờ Đỏ từng nuôi 320 lợn nái, 1.300 lợn thịt. Sau khi xuất bán vào giữa tháng 3 vừa qua, trang trại đã giảm đàn do nuôi công nghiệp chi phí khá cao, hầu như phải chịu lỗ vốn trong giai đoạn này. Các trang trại liên kết với Tường An Agri tại Cần Thơ và Vĩnh Long cũng đều ngừng nhập giống về nuôi gà, vịt thương phẩm.

“Giá thức ăn chăn nuôi hiện tại chiếm tới 76% cơ cấu giá lợn thành sản phẩm. Trong giai đoạn này, giá thức ăn liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi rất khó khăn. Giá lợn ra thị trường 54.000 đồng/kg, nhưng để tạo ra 1kg thịt lợn thành phẩm bây giờ người chăn nuôi phải chi phí từ 58.000 - 60.000 đồng”, ông Phan Thế Tường, Chủ trang trại Tường An Agri phân tích.

Theo Sở NN7PTNT TP. Cần Thơ, kể từ đầu năm cho đến nay thức ăn chăn nuôi liên tục điều chỉnh giá, hiện nay khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg, trong khi giá lợn hơi trên thị trường chỉ tăng nhẹ, dao động ở mức 57.000 - 60.000 đồng/kg. Khi thức ăn chăn nuôi tăng cao, nếu tính thêm chi phí về nhân công và khấu hao chuồng trại thì coi như người nuôi cầm chắc thua lỗ.

Trước đây, sản lượng chăn nuôi của Cần Thơ cung ứng từ 50%-70% nhu cầu thị trường, số lượng còn lại nhập từ các tỉnh thành khác để cung ứng đủ cho người tiêu dùng. Trong khi đó, vấn đề giảm đàn, giảm quy mô chăn nuôi đã và đang diễn ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.

Lý giải về giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người nuôi giảm đàn, ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y TP. Cần Thơ thông tin, giá sản phẩm thức ăn nhập đầu vào tại một số thời điểm cũng thay đổi giá, tăng giá. “Thời gian gần đây, do tình hình thế giới biến động, giá dầu thô tăng cũng ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào của sản xuất thức ăn. Ngoài ra một số sản phẩm tăng giá theo xu hướng chung, điều này cũng gây khó khăn cho bà con chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô lớn, mang tính ổn định”, ông Vinh cho biết.

Tổng đàn lợn ở Cần Thơ hiện nay khoảng 128.000 con, đàn gia cầm hơn 1,9 triệu con. Theo nhiều trang trại lớn chăn nuôi ở Cần Thơ và ĐBSCL, việc tận dụng nguyên liệu trong nước để chế biến thức ăn tại chỗ thay thế nguồn thực phẩm công nghiệp chỉ là giải pháp tình thế.

Bởi, nếu tính toán không kỹ lưỡng, việc vận chuyển nhiều nguyên liệu từ bên ngoài rất dễ đưa mầm bệnh vào chuồng nuôi. Thêm vào đó, các hộ phải đầu tư thêm các thiết bị phối trộn, thuê nhân công, chi phí điện nước thì lợi nhuận sẽ không đáng là bao. Trước tình thế hiện nay, người chăn nuôi kiến nghị cần có giải pháp bình ổn thị trường thức ăn để cứu ngành chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ gãy đổ.

Theo Phạm Hải

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên