Thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Việc thúc đẩy các động lực sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.
- 22-10-2023Cân nhắc tăng phí cao tốc
- 22-10-2023Việt Nam thu hút FDI ngành chế biến, chế tạo
- 22-10-2023Vé tàu Tết đắt khách
Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước trong 3 quý đạt 4,24%. Dù mức tăng trưởng chưa đạt mức cao như kỳ vọng nhưng vẫn là kết quả đáng ghi nhận. Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua khẳng định phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 - năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Kết thúc quý III, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mới chỉ đạt trên 259 tỷ USD. Thông tin thị trường của Bộ Công Thương cho thấy, trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống như châu Âu và Mỹ… đều sụt giảm trên 20%, việc tìm kiếm các đơn hàng từ các thị trường mới, thị trường ngách đã giúp nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành hàng vẫn duy trì được sản xuất. Với những nỗ lực mà các doanh nghiệp đang triển khai, kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu năm nay là 6% sẽ đạt được.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam cho biết: "Kết quả 9 tháng đầu năm của ngành da giày, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 16 tỷ USD, bị suy giảm mất 20%. Để bù cho sự sụt giảm đó thì các doanh nghiệp đã tiếp tục mở rộng, tìm kiếm thêm các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường mà chúng ta có các FTA đã ký kết".
iệc thúc đẩy các động lực sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới. Ảnh minh họa.
Tiêu dùng nội địa 9 tháng qua cũng đã khởi sắc khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ấn tượng, đạt gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Kết quả này đã khẳng định những giải pháp phù hợp trong điều hành nền kinh tế mà Chính phủ đưa ra, cùng với đó nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng, nhiều địa phương đã vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Trong năm 2023, chỉ tiêu đặt ra đối với thành phố Hà Nội về tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là tăng trưởng từ 10 - 11%. Để đạt mức tăng trưởng này, Hà Nội đã tích cực tổ chức các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và tổ chức chương trình khuyến mại tập trung để tăng tổng mức và kiềm chế được lạm phát".
"Phải tiếp tục ổn định nguồn cung và giá cả của các nhóm hàng hoá phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Cần triển khai quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa việc miễn, giãn, giảm các loại thuế, phí… vì giải pháp này giúp cho cả người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi, từ đó kích thích sự tăng trưởng", ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho hay.
Với tinh thần "Non cao cũng có đường trèo/Đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi", ngay từ những tháng đầu năm và xuyên suốt cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ vẫn nhấn mạnh yêu cầu "vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua" và kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Với những cố gắng không ngừng đó, việc thúc đẩy các động lực sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.
VTV