Thúc đẩy nội địa hóa công nghiệp dệt may
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu (XK) chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, khả năng nội địa hóa sản phẩm XK dệt may của Việt Nam chưa lớn, chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa. Trong giai đoạn vừa qua, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may mới đạt khoảng 46 - 47%.
- 12-07-2024Phá sản và câu chuyện thời điểm trong sản xuất sản phẩm dệt may xanh
- 07-07-2024DN dệt may Việt Nam “mơ” gia nhập cuộc chơi R&D thế giới: Đã đưa 40% cây tre, cà phê, bạc hà… vào vải sợi và tìm ra 6 giải pháp tái chế đồ cũ
- 06-07-2024Doanh nghiệp dệt may hiện thực “giấc mơ” cung cấp trọn gói sản phẩm
Cần hình thành chuỗi giá trị trong nước
Tỷ lệ nội địa hóa dệt may chính là một điểm yếu khiến cho ngành này không thể tận dụng được nhiều lợi thế của CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) - khu vực chiếm 15% tổng GDP toàn thế giới. Do đó, cần phải nhanh chóng thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa của dệt may.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, một trong những chủ trương của các cơ quan quản lý nhà nước và cũng là mong muốn của Vitas chính là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển khâu thượng nguồn, hướng tới tự chủ nguyên phụ liệu cho sản xuất. Tuy nhiên cho đến nay, định hướng cũng như mong muốn này chưa đạt kỳ vọng, phần lớn nguyên phụ liệu cho sản xuất doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước vẫn phải nhập khẩu.
Một số DN ngành dệt may thông tin, hiện nhiều DN đang phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu, do đó ngành dệt may cả nước đều vướng phải tình trạng “xuất sợi và nhập lại vải”. Nguyên nhân của vấn đề này là bởi khâu dệt, nhuộm của Việt Nam còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất.
Do đó, ngành dệt may vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp, chưa chủ động trong sản xuất. Điều này đòi hỏi cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và cần có những ưu tiên để ngành này sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn, từ đó thúc đẩy hình thành hệ thống DN công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành này.
Bộ Công Thương cho rằng, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa. Theo đó, trong thời gian tới, ngành dệt may cần phát triển theo hướng hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước, liên kết chặt chẽ với công nghiệp thời trang, nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ và tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung; có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết “điểm nghẽn” về vải cung cấp cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do.
Tự chủ nguyên, phụ liệu
Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, giai đoạn 2007 - 2015, Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế sâu rộng với nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại quốc tế đem lại. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng đứng trước những thách thức không nhỏ, đặc biệt khi yêu cầu về xuất xứ sản phẩm tại tất cả các hiệp định đều được đề cao.
Trước yêu cầu này, nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu, không tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định thì khả năng gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu rất khó khăn. Vì vậy, ngay từ giai đoạn 2015 - 2020 Tập đoàn định hướng giảm dần sản xuất may, chuẩn bị nguồn lực cho phát triển nguyên, phụ liệu. Theo hướng đó, Vinatex đã đạt được mục tiêu quan trọng trong tự chủ nguyên liệu phục vụ may XK (tăng từ 40% lên 58%).
Và hiện nay, khi dệt may Việt Nam không còn lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ thì Vinatex lại xác định chính xác chiến lược phát triển, bảo đảm trang bị cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn những lợi thế để cạnh tranh trong điều kiện mới. Theo đó, “Chiến lược “Trở thành một điểm đến cung cấp giải pháp trọn gói về dệt may thời trang cho khách hàng doanh nghiệp” thông qua một trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang được đặt ra nhằm hiện thực hóa sự đón đầu của Vinatex trước những đòi hỏi mới, xu thế mới của thị trường toàn cầu.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 (một thành viên của Vinatex) khẳng định, chỉ khi đủ các chủng loại nguyên phụ liệu mới giúp các nhà thiết kế tạo nên những mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và phù hợp nhu cầu sử dụng. Do vậy, việc phát triển mạnh mẽ hơn nữa khâu thượng nguồn, thậm chí tự chủ nguyên phụ liệu là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp dệt may thực hiện “giấc mơ” cung ứng trọn gói, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia Lê Triệu Dũng thông tin, mới đây Mỹ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Chính sách này nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào. Cụ thể, nếu Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ nước thứ 3 và nước này trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu này thì khi Việt Nam sử dụng để sản xuất và XK sẽ bị đánh thuế. Không chỉ Mỹ mà cả EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách này. Do đó, việc có một trung tâm giao dịch nguyên liệu liệu là cần thiết để doanh nghiệp đa dạng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, để tránh bị phụ thuộc vào một thị trường.
Vì sao “xuất sợi và nhập lại vải”?
“Một số DN ngành dệt may thông tin, hiện nhiều DN đang phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu, do đó ngành dệt may cả nước đều vướng phải tình trạng “xuất sợi và nhập lại vải”. Nguyên nhân của vấn đề này là bởi khâu dệt, nhuộm của Việt Nam còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất”.
Báo Pháp Luật Việt Nam