MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp dệt may hiện thực “giấc mơ” cung cấp trọn gói sản phẩm

06-07-2024 - 14:06 PM | Doanh nghiệp

Từ chỗ chủ yếu gia công theo thiết kế của đối tác, doanh nghiệp dệt may trong nước đang dần hiện thực hóa "giấc mơ" cung cấp trọn gói sản phẩm.

Dệt may là ngành có độ mở lớn với gần 80% sản lượng sản phẩm xuất khẩu, cũng là luôn nằm trong top ngành hàng có kim ngạch lớn. Tuy nhiên, dệt may vẫn được đánh giá gia công là chủ yếu. Thực tế, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu cũng như sản xuất theo mẫu mã của nhãn hàng là nguyên nhân của nhận định trên.

Những năm gần đây, cùng với những nỗ lực nội địa hóa nguồn nguyên phụ liệu, xây dựng chuỗi cung ứng nội bộ và đặc biệt là chủ động trong phát triển thiết kế, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã chào hàng, sản xuất và bán sản phẩm bằng chính mẫu mã tự thiết kế.

Mới đây, ông Cao Hữu Hiếu- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, trong tháng 7/2024, Tập đoàn sẽ đưa vào vận hành trung tâm phát triển sản phẩm mới. Đây là trung tâm được đầu tư hiện đại, bài bản. Bản chất của trung tâm là chuyên làm hàng FOB (chủ động nguyên liệu, sản xuất sản phẩm), hướng đến trọng tâm phát triển chuỗi chiến lược dệt kim đã định hình trong giai đoạn đến 2025.

photo-1720238915651

Doanh nghiệp dệt may hiện thực “giấc mơ” cung cấp trọn gói sản phẩm.

“Hiện nay chúng tôi đã có đủ cả sợi, dệt nhuộm, may nhưng khâu thiết kế mang thương hiệu của Việt Nam, nhằm bán trọn gói cho khách hàng từ thiết kế đến nguyên liệu và sản xuất chưa làm được. Trung tâm ra đời nhằm giải quyết “nút thắt” này, trước mắt là trong lĩnh vực dệt kim”, ông Hiếu cho hay.

Trung tâm sẽ phụ trách tìm kiếm nguồn hàng, phát triển mẫu, marketing, kinh doanh nội địa vừa giao dịch xuất khẩu ra thị trường thế giới. Cùng với đó, trung tâm cũng sẽ trở thành đầu mối, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành sợi, dệt và may tham gia vào chuỗi cung ứng, từng bước đưa các thiết kế Việt, các mặt hàng ODM (thiết kế, sản xuất, vận chuyển) ra thị trường thế giới.

Chủ động khâu thiết kế nhằm xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là định hướng chiến lược được những doanh nghiệp dệt may lớn theo đuổi nhiều năm qua.

Bên cạnh “ông lớn” Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty May 10 - CTCP cũng là một điển hình trong phát triển khâu thiết kế. Từ đầu năm 2023 tới nay, May 10 đã liên tục cho ra những của hàng giới thiệu và bán các sản phẩm tự thiết kế.

Ông Thân Đức Việt- Tổng giám đốc May 10 cho hay, doanh nghiệp hiện có hơn 30 nhà thiết kế và khoảng 200 người làm trong khâu thiết kế sản phẩm mới… Cùng với ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế như công nghệ 3D, AI, ông Việt nhận định, tính hội nhập của các nhà thiết kế Việt Nam đã bắt kịp với trình độ thiết kế của thế giới.

May 10 vẫn tiếp tục phối kết hợp với các nhà thiết kế hàng đầu ở Ý, Pháp, Mỹ, Anh để giao thoa, hội nhập nhanh, sớm với các nhà thiết kế hàng đầu của thế giới để sản xuất các bộ sưu tập cho người Việt Nam nhưng chất lượng kiểu dáng mẫu mã ngang tầm với quốc tế.

Thiết kế và nguyên phụ liệu có mối quan hệ khăng khít. Chỉ khi đủ các chủng loại nguyên phụ liệu mới giúp các nhà thiết kế tạo nên những mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và phù hợp nhu cầu sử dụng. Do vậy, việc phát triển mạnh mẽ hơn nữa khâu thượng nguồn, thậm chí tự chủ nguyên phụ liệu là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp dệt may thực hiện "giấc mơ" cung ứng trọn gói, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu, Bộ Công Thương đang thúc đẩy việc hình thành Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, trên cơ sở Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã cho xây 5 trung tâm, trong đó có 3 trung tâm của ngành cơ khí và 2 trung tâm của ngành dệt may, da giày. Hiện, 2 trung tâm cơ khí tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được khởi công xây dựng.

Trao đổi thêm về tầm quan trọng của việc chủ động nguyên liệu dệt may trong bối cảnh hội nhập, ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương cho biết, việc thành lập Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành và Luật Cạnh tranh. Khi có trung tâm này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thúc đẩy nội lực, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, mới đây Mỹ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Chính sách này nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào. Theo đó, nếu Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ nước thứ 3 và nước này trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu này thì khi Việt Nam sử dụng để sản xuất và xuất khẩu sẽ bị đánh thuế. Không chỉ Mỹ, mà cả EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách này. Do đó, việc có môt trung tâm giao dịch nguyên liệu liệu là cần thiết để doanh nghiệp đa dạng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, để tránh bị phụ thuộc vào một thị trường.

Theo Hải Linh

Báo Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên