Thực hư chuyện 'không nên ăn da gà để tránh ung thư': Chuyên gia phân tích
Thịt gà là thực phẩm giàu dinh dưỡng, thường được dùng để bồi bổ cơ thể. Khi ăn thịt gà, nhiều người thường thích ăn phần da.
- 17-05-2023Nhịn ăn có 'diệt' được tế bào ung thư? Chuyên gia dinh dưỡng giải đáp
- 17-05-2023Ăn rau muống nhiều nhưng ít ai biết loại rau này có chất là "khắc tinh" của ung thư
- 16-05-2023Nghiên cứu từ Mỹ và Ý chỉ ra loại thực phẩm 'dẫn lối' cho ung thư
Da gà tốt hay xấu?
Với những người thích ăn da gà, họ cho rằng ăn thịt gà mà không có phần da sẽ mất đi hương vị thơm ngon vốn có của thực phẩm này.
Tuy nhiên, mới đây có một số thông tin cho rằng "ăn thịt gà nên bỏ da để phòng ung thư" vì "da gà chứa cholesterol không tốt cho sức khoẻ, làm tăng nguy cơ bệnh tật".
Về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia), nêu quan điểm: "Chúng ta không thể nói ăn da gà sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tật và ung thư được. Ở đây, chúng ta cần phải trả lời câu hỏi số lượng da ăn nhiều hay ít, tần suất ăn thế nào, thực phẩm có đảm bảo an toàn vệ sinh hay không".
"Tất cả các thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm đều có nguy cơ gây nên bệnh tật, trong đó có ung thư. Chúng ta không thể đổ tội ăn da gà gây ung thư, như vậy là thiếu chứng cứ khoa học. Da gà là thực phẩm có chứa nhiều cholesterol, nhưng không có nghĩa là ăn nhiều sẽ gây ung thư", bác sĩ Hưng nói.
Cholesterol là một thành phần của lipid máu, đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của cơ thể. Cholesterol là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh cũng như trong việc sản xuất một số loại hormone, giúp cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh. Một người bình thường chỉ nên ăn khoảng 250 - 300mg cholesterol/ngày.
"Da gà vẫn có thể ăn được, nhưng chúng ta phải ăn hài hoà, tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng lành mạnh. Không nên ăn nhiều da gà, còn ăn một vài miếng cũng không sao. Đối với người có bệnh lý cũng ăn được da gà. Khi ăn uống cân đối với dinh dưỡng trong tổng hoà bữa ăn thì không cần kiêng. Cần phải lưu ý số lượng và tần suất sử dụng, lâu lâu mới ăn thì không có vấn đề gì quá lo ngại", bác sĩ Hưng nói.
Hiện nay, một số nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định da gà không hoàn toàn là thực phẩm xấu. Da gà có thể tốt nếu bạn ăn đúng cách, hoặc xấu nếu ăn sai cách.
Nếu ăn da gà với số lượng nhiều thì lượng chất béo động vật hấp thu vào cơ thể tăng cao, dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe.
Ăn thịt gà có gây đau nhức xương?
Một thông tin khác cũng được chia sẻ nhiều là "người bị bệnh xương khớp ăn thịt gà sẽ đau nhức nhiều". Bác sĩ Hưng khẳng định thông tin này không có cơ sở khoa học mà chỉ là những câu nói truyền miệng. Trong thịt gà có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như protein để tái tạo cơ, tăng cường hệ thống miễn dịch, chất béo; chất khoáng (sắt, canxi, magie, mangan, photo, kali, kẽm, đồng…); các vitamin như vitamin C, vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP, vitamin B5, vitamin B6, vitamin E, vitamin K…
Thịt gà giàu dinh dưỡng, có chứa nhiều chất đạm, axit amin tốt cho sức khoẻ, nhất là người sau khi ốm, người suy nhược cơ thể. Thịt gà là thực phẩm dễ kiếm, có thể chế biến thành nhiều món sử dụng được cho người có bệnh lý. Tuy nhiên, người có bệnh lý ăn bao nhiêu là phù hợp thì cần có sự tư vấn của bác sĩ.
Thể thao & văn hóa