Thực phẩm chức năng "công nghệ xô chậu" lại quảng cáo... "chữa bách bệnh"
Thời gian tới, Sở An toàn Thực phẩm TP HCM sẽ tăng cường kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn.
- 27-12-2023Hàng chục tấn thực phẩm chức năng "thương hiệu Úc, Canada"... sản xuất ở trại nuôi gà
- 09-12-2023Mua thuốc, thực phẩm chức năng trên Facebook: Chất lượng có đảm bảo?
- 01-06-2023Phát hiện cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng 'khủng' nghi giả tại Hà Nội
Ngày 25-4, Sở An toàn Thực phẩm TP HCM tổ chức hội thảo "Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quản lý thực phẩm chức năng trên địa bàn năm 2024".
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP HCM, cho biết thực phẩm chức năng - bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, dinh dưỡng y học - đang "bùng nổ" từ sản xuất trong nước cho đến nhập khẩu, phân phối và sử dụng.
Thế giới đã sử dụng trước, còn Việt Nam tuy theo sau nhưng lại đi quá nhanh nên việc nhập khẩu, sản xuất và quảng cáo thực phẩm chức năng đã gặp rất nhiều vấn đề.
"Rất nhiều thực phẩm mang tiếng là thực phẩm chức năng nhưng lại dùng "công nghệ xô chậu" là chủ yếu, chỉ nghĩ đơn giản là mua nguyên liệu về quậy quậy, trộn trộn là xong" – bà Lan thẳng thắn nêu thực trạng tại hội thảo.
Theo bà Lan, TP HCM có 43 nhà máy đạt chuẩn thực hành tốt nhưng không phải sử dụng dây chuyền sản xuât thuốc để sản xuất thực phẩm chức năng. Muốn sản xuất thực phẩm chức năng thì phải xây dựng dây chuyền sản xuất mới.
"Có ai dám khẳng định thực phẩm chức năng bán trên thị trường đều sản xuất đúng với quy trình hay vẫn có trường hợp sản phẩm chưa đạt vẫn lẻn lỏi bán ra?" - bà Lan đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, theo quy định, trong phân phối, kinh doanh, trong các nhà thuốc, thực phẩm chức năng phải được xếp riêng, không lẫn lộn với thuốc nhưng phần lớn lại không thực hiện đúng.
Hiện nay, chưa có điều khoản nào về việc cấm bán thực phẩm chức năng trên thị trường, trong chợ hay trên sàn giao dịch điện tử. Do đó, cần phải có luật hoặc có chương dành riêng cho sản phẩm này. Làm sao để người dân không nhầm lẫn thực phẩm chức năng với thuốc.
Hội thảo cũng nêu thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng vô tội vạ, nào là "nhà tôi ba đời chữa bách bệnh", nghe còn hơn cả thuốc, bệnh gì cũng chữa được, chưa kể lồng ghép hình ảnh trên đài truyền hình để tạo niềm tin với khách hàng.
Theo bà Trần Thị Thu Liễu – đại diện Cục An toàn Thực phẩm, vi phạm về quảng cáo, chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng rất nhiều. Trong năm 2022, cục đã xử phạt khoảng 2,7 tỉ đồng, năm 2023 phạt gần 1,9 tỉ đồng cho các hành vi vi phạm trong quảng cáo, chất lượng thực phẩm chức năng.
Bà Lan cho biết Sở An toàn Thực phẩm TP HCM đã được giao chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tập huấn, quản lý quảng cáo, thanh kiểm tra trên địa bàn về sản phẩm thực phẩm chức năng. Do đó, thời gian tới, ngoài việc kiểm tra theo kế hoạch, sở còn triển khai kiểm tra đột xuất các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn.
Người lao động