MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuê nhà nhưng dại dột đập tường chịu lực để mở không gian, ai ngờ khiến 200 nhà sơ tán trong đêm, tiền đền bù có thể lên tới 200 tỷ đồng

09-05-2023 - 15:00 PM | Sống

Thuê nhà nhưng dại dột đập tường chịu lực để mở không gian, ai ngờ khiến 200 nhà sơ tán trong đêm, tiền đền bù có thể lên tới 200 tỷ đồng

Sự việc gây tranh cãi khi xác định đâu là đối tượng phải chịu trách nhiệm cho khoản tổn thất kinh phí nặng nề, lên tới 200 tỷ đồng này.

‏Tường chịu lực là bộ phận không thể thay thế của công trình nhà ở, chịu vai trò quan trọng trong việc chịu tải trọng chung của ngôi nhà. Sự ổn định về độ bền cũng như chất lượng chịu lực của nó có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và an toàn của ngôi nhà.‏

‏Các bức tường chịu lực trong các nhà cao tầng lại càng không thể tự ý bị phá hủy, sửa chữa, cải tạo theo ý muốn của một cá nhân vì kết cấu phức tạp của toàn bộ tòa nhà. Ngay cả những thay đổi nhỏ nhất cũng có thể phá vỡ sự ổn định cấu trúc của tất cả.‏

‏Tuy nhiên, gần đây, một sự việc như vậy đã xảy ra tại một tòa nhà dân cư ở phố Yumin, quận Songbei, thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Vụ việc gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. 

Theo truyền thông nước này, một người thuê đã tự ý phá dỡ bức tường chịu lực để xây phòng gym tập thể dục trên tầng 3. Hành vi này khiến tường nhiều lớp của toàn bộ khu dân cư bị nứt, hơn 200 chủ nhà phải sơ tán trong đêm. ‏

‏Vụ việc gây lo ngại rất lớn, khiến phần lớn cư dân mạng nhận ra rằng, khi sửa chữa nhà cửa không nên tùy tiện đụng chạm vào tường chịu lực, nếu không hậu quả khôn lường.‏

photo-1683546685474

‏Vụ việc bắt đầu thu hút sự chú ý từ cuối tuần trước. Có thông tin cho rằng, người thuê nhà này cảm thấy không đủ diện tích để mở phòng gym, nên đã tự ý dỡ bỏ một phần bức tường chịu lực để nới rộng không gian. Hành vi này hoàn toàn chưa được phép của chủ tòa nhà.‏

‏Thậm chí, để phá dỡ bức tường, người này đã thuê cả máy ủi, máy xúc đến hiện trường để thi công. ‏

photo-1683546692031

‏Hậu quả khiến kết cấu tòa nhà bị hư hỏng nghiêm trọng, tường nứt thành từng vệt lớn, tính mạng và tài sản của các hộ gia đình sinh sống tại đây đều bị đe dọa.‏

‏Ngay khi vụ việc xảy ra, nhận được báo cáo, bộ phận quản lý có liên quan đã nhanh chóng đến hiện trường, yêu cầu đội thi công dừng ngay các hoạt động và tiến hành điều tra. ‏

‏Sau khi thẩm định, bức tường chịu lực đã giảm 40% chất lượng so với tiêu chuẩn ban đầu, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sự an toàn của kết cấu tòa nhà. Cấu trúc vật lý của toàn bộ tòa nhà đã trở nên cực kỳ mong manh. Bất cứ lực nhỏ bên ngoài nào cũng có thể khiến toàn bộ tòa nhà sụp đổ.‏

‏Các vết nứt ở tầng 3, nơi người này thuê nhà, vô cùng nghiêm trọng. Từ tầng 4 đến tầng 21, không trừ hộ nào, nhà nào cũng có những vết nứt với mức độ khác nhau. Điều này khiến mọi gia chủ đều bất an, không dám tiếp tục sinh hoạt tại đây nữa.‏

‏Rất may sự cố này chưa gây ra bất cứ thương vong nào.‏

photo-1683546702027

‏Theo ước tính, hành vi này của người thuê nhà đã gây thiệt hại kinh tế khoảng 160 triệu NDT, tương đương 200 tỷ đồng. Một con số đền bù không hề nhỏ đối với bất kỳ ai.‏

‏Sau khi sự việc xảy ra, mọi người lần lượt lên án sự thờ ơ của công ty quản lý tài sản. Tại hiện trường có thể thấy ngay cả máy xúc cũng vào cuộc, nhưng phía quản lý lại làm ngơ, tỏ ra "không biết gì". Như vậy, họ có thực sự đang quản lý tài sản và bảo vệ quyền lợi của các cư dân sinh sống tại đây đúng cách hay không?‏

‏Nhiều người cũng cho rằng, không chỉ kẻ phá hoại, chủ nhà, chủ tòa nhà, đơn vị thi công và tất cả các bên liên quan đến tài sản đều có ít nhiều trách nhiệm trong việc này.‏

‏Kể cả như vậy, hàng trăm gia đình đang sinh sống tại đây mới thực sự là "oan gia". ‏

‏"Có nhà không thể về, sợ là sau này cũng bán không có người mua, ai mà không lo cho được", một người cho hay. "Làm lụng vất vả cả nửa đời người mới mua được căn nhà, vậy mà giờ ra nông nỗi ấy."‏

‏Điều đã diễn ra thì không thể thay đổi, vấn đề đặt ra bây giờ là các bên phải chịu trách nhiệm gì, ai sẽ chịu trách nhiệm khi chủ sở hữu bị thiệt hại?‏

‏Tổng thể các vết nứt chỉ tính riêng tầng 3 đã rất nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là kết cấu chịu lực đã hoàn toàn thay đổi, không có khả năng sửa chữa. Tòa nhà nhất định sẽ xuất hiện các vấn đề về an toàn, đối mặt với nguy cơ xiêu vẹo, sụp đổ. Kể cả trong trường hợp được sửa chữa, rất nhiều người cũng không còn dám sinh sống tại đây. ‏

‏Chưa kể, việc gia cố từng hộ, từng tầng của cả tòa nhà khó hơn nhiều so với việc xây dựng lại. Cho dù sửa chữa và gia cố như thế nào cũng không thể khôi phục lại như ban đầu. Nhiều người cho rằng, phương án thi công tốt nhất chính là phá bỏ toàn bộ tòa nhà và xây lại cho các cư dân.‏

‏Điều này đồng nghĩa với một khoản chi phí rất lớn. Chắc chắn không một bên liên quan nào muốn gánh vác khoản thiệt hại kinh tế lớn như vậy. Chính vì thế, phương án giải quyết vẫn đang là vấn đề đau đầu với tất cả các bên liên quan.‏

‏Đây cũng là sự cố cảnh tỉnh rất nhiều người trong vấn đề an toàn nhà ở. ‏

‏Tự ý cải tạo nhà ở mà không tham khảo ý kiến chuyên gia, không có sự cho phép của các đơn vị quản lý là một việc làm vô cùng nguy hiểm. Nó không chỉ ảnh hưởng tới tính mạng của bản thân người đó, mà còn là an toàn của cả cộng đồng. ‏

‏Là người trưởng thành, chúng ta cũng nên tìm hiểu sự nguy hiểm của việc dỡ bỏ các bức tường chịu lực mà không được phép. Đây là một bộ phận quan trọng để đảm bảo an toàn kết cấu của toàn bộ tòa nhà. Do đó, mọi thay đổi đều cần có sự cho phép của pháp luật và chuyên gia xây dựng để tránh tai nạn.‏

‏Nếu là chủ nhà, bạn nên giải thích cho người thuê về các quy định có liên quan khi trang trí, cải tạo nhà ở, không được tự ý phá dỡ… ‏

‏*Nguồn: Sohu

Phương Mộc

Thể thao & Văn hóa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên