MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhập khẩu và nước ngọt “làm nóng” Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

Hiệp Hội Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) đề xuất không áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước ngọt, vì thiếu các bằng chứng chứng minh hiệu quả. Đại diện Bộ Tài chính không trả lời trực tiếp và chỉ bày tỏ quan điểm tiếp thu để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhập khẩu

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, ngày 04/7, Nhóm Công tác Thuế và Hải quan đã đưa ra đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ông Mark Gillin, Trưởng Nhóm cho rằng, mức trần để khấu trừ khi tính thuế TTĐB cần tăng từ 7% lên 15% do số lượng xe ô tô con nhập khẩu bị giới hạn. Việc điều chỉnh này giúp các nhà nhập khẩu và các đại lý có thể đảm bảo duy trì bền vững các hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, định nghĩa về các bên có "mối quan hệ liên kết" trong cách tính thuế TTĐB thường xuyên bị thay đổi. Vấn đề này vẫn chưa được hướng dẫn rõ ràng và gây nhầm lẫn cho các nhà nhập khẩu về nghĩa vụ thuế.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhập khẩu và nước ngọt “làm nóng” Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Mark Gillin, Trưởng Nhóm Công tác Thuế và Hải quan

"Chúng tôi kiến nghị rằng mức trần để khấu trừ khi tính thuế TTĐB cần tăng từ 7% đến 15%. Cần có cách tính thuế TTĐB tiêu chuẩn, mà không xét đến mối quan hệ sở hữu hay mối quan hệ giữa các bên không liên kết trong kênh phân phối. Khoản truy thu thuế TTĐB do nộp chậm vì hướng dẫn không rõ ràng hoặc do thay đổi định nghĩa về các bên có mối quan hệ liên kết cần được bãi bỏ" - ông Mark Gillin nói.

Phản hồi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, Bộ đã có văn bản trả lời các ý kiến của doanh nghiệp. Những quy định trên đang có hiệu lực thi hành và các doanh nghiệp phải thực hiện đúng.

"Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ thuế tiêu thụ đặc biệt, giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn tỷ lệ 7% so với giá bình quân trong tháng của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra…" – Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói

Đánh thuế với nước ngọt

Tại dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), nước ngọt có đường đã được đề xuất áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và nâng thuế VAT thêm 2%. Đồ uống có đường được liệt vào danh sách chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do "ảnh hưởng đến sức khỏe con người".

"Tôi đề xuất Chính phủ Việt Nam không nên đánh thuế TTĐB lên nước ngọt vì các tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với ngành đồ uống. Không có bằng chứng nào cho thấy việc đánh thuế sẽ giúp sức khỏe của người Việt Nam tốt hơn. Trong khi đó, đã có bằng chứng chứng minh việc đánh thuế này có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Việc đánh thuế TTĐB cũng sẽ ảnh hưởng đến các cơ hội việc làm của người dân" - ông Adam Stikoff, Giám đốc điều hành Hiệp Hội Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) phát biểu tại VBF giữa kỳ 2018.

Theo AmCham, tháng 6/2018, các nhà lập pháp bang California (Hoa Kỳ) đã bỏ phiếu cấm ban hành các loại thuế địa phương đánh vào nước ngọt. Những nước có tỷ lệ béo phì cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand không áp thuế đối với nước ngọt, chủ yếu là vì các tác động do thuế suất này gây ra vẫn chưa được chứng minh.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhập khẩu và nước ngọt “làm nóng” Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 2.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho rằng, mức thuế suất đối với nước ngọt có đường cần đủ mạnh khiến giá sản phẩm tăng cao, để trẻ em khó mua nước ngọt hơn. Điều này góp phần giảm tình trạng thừa cân, béo phì và nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Khi người dân sẽ chuyển sang dùng nước suối hay các sản phẩm khác, hàng hóa được tiêu thụ. Do đó, tăng thuế cũng không làm giảm việc làm. Hơn 40 quốc gia áp dụng biện pháp đánh thuế đồ uống có đường, trong đó nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan...; ở châu Á có Thái Lan, Lào, Campuchia...

Số liệu của Bộ Y tế nêu rõ, trung bình mỗi người Việt uống 44 lít nước có đường vào năm 2016, gấp 7 lần so với năm 2000. Việc tiêu thụ quá nhiều đường dẫn đến thừa cân, béo phì. Hiện tại, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng từ mức 0,6% lên 5,3% trong 15 năm. Từ năm 2002 đến năm 2016, tỷ lệ thừa cân ở cả hai giới tăng 68%. Đặc biệt ở độ tuổi 5-19 có mức tăng cao hơn 273% (từ gần 3% lên gần 10%).

Về đề xuất không áp thuế TTĐB với nước ngọt của AmCham tại VBF giữa kỳ 2018, đại diện Bộ Tài chính đã bày tỏ quan điểm tiếp thu để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên