Thương chiến: Muốn biết Mỹ hay TQ đang "trên cơ", chỉ cần xem ai đang tươi cười, ai đang nhăn nhó trong tấm ảnh này?
Mỹ và Trung Quốc tuần trước vừa đạt được thỏa thuận "giai đoạn 1" trong vòng đàm phán thứ 13. Tuy nhiên, một tấm ảnh được Bộ Tài chính Mỹ đăng tải lại nói lên câu chuyện khác...
- 15-10-2019Chiến tranh thương mại và Trung Quốc đang vùi dập 3 "ngôi sao" của kinh tế thế giới?
- 10-10-2019"Kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 700 tỷ USD vào năm 2020 vì thương chiến"
- 09-10-2019Đây là cuộc chiến còn căng thẳng hơn cả chiến tranh thương mại Mỹ Trung nhưng ít ai để ý
Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ 6 (11/10) tuần trước đã đăng tải một tấm ảnh về bữa tối của các nhà đàm phán hai nước Mỹ- Trung Quốc được tờ Sydney Morning Herald (SMH - Australia) đánh giá là tiết lộ khá nhiều ý nghĩa và những câu chuyện diễn ra trong và ngoài phòng đàm phán.
Cụ thể, trong bức ảnh ghi lại khoảnh khắc quan chức hai nước nâng ly chúc mừng thỏa thuận giai đoạn 1, chúng ta có thể thấy rõ sắc thái biểu cảm của hai bên có vẻ trái ngược nhau: Trong khi phái đoàn Trung Quốc tươi cười vui vẻ và có phần hồ hởi, thì các quan chức Mỹ lại có vẻ mặt hơi nhăn nhó và "ảm đạm".
Vậy tại sao khi hai bên đã đạt được một thỏa thuận mà theo Tổng thống Mỹ Donald Trump là "lớn nhất, vĩ đại nhất - tính đến thời điểm hiện tại - đối với những người nông dân Mỹ", các quan chức hai nước lại có biểu cảm khác biệt đến vậy?
Thực chất Tổng thống Trump không nói sai, bởi Trung Quốc đã đồng ý tăng giá trị hàng nông sản nhập khẩu Mỹ từ 40 tỉ USD lên 50 tỉ USD/năm - tức là gấp đôi so với giá trị nhập khẩu nông sản trước đó - trong vòng 2 năm tới. Đây thực sự là một thỏa thuận lớn trong lịch sử nước Mỹ.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên phía Trung Quốc đưa ra cam kết như vậy, và cũng không phải lần đầu tiên ông Trump tuyên bố đạt được thỏa thuận "lớn nhất từ trước tới nay".
Trong bối cảnh khủng hoảng vì dịch tả lợn hiện nay, việc khiến Trung Quốc đồng ý mua đơn hàng lớn đậu tương và thịt từ Mỹ không phải là điều quá khó khăn. Về phần mình, phía Washington đã đồng ý hoãn đợt tăng thuế dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/10.
Theo SMH, có thể quan chức Mỹ "nhăn nhó" trong bức ảnh trên là bởi thỏa thuận trên vẫn còn nhiều nghi ngại và rủi ro. Thậm chí chính ông Trump cũng từng nghi ngờ về việc nông dân Mỹ thực sự có thể sản xuất được đủ số lượng hàng nông sản để bán sang Trung Quốc theo thỏa thuận trên.
Ngoài ra, trong thỏa thuận giai đoạn 1 vừa được kí kết giữa hai nước Mỹ-Trung, Bắc Kinh cũng đưa ra một số cam kết có phần mơ hồ về tài chính và tiền tệ, tuy nhiên những vấn đề cốt lõi và khó giải quyết nhất là việc Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước lại không được đề cập trong thỏa thuận này.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải) và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái). Ảnh: Bloomberg
Trung Quốc tươi cười vì đang "trên cơ" Mỹ?
Trung Quốc rõ ràng đã chịu tổn thất nặng nề vì cuộc thương chiến với Mỹ: tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, và một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc thậm chí có thể trượt xuống dưới mức 6%.
Mỹ tất nhiên cũng không thể lành lặn trong cuộc chiến này (và những vết thương của Mỹ được SMH đánh giá là tự làm tổn thương mình): đầu tư thương mại cạn kiệt, tăng trưởng giảm tốc, người nông dân gặp khó khăn.
Trong khi đó, Tổng thống Trump lại đang phải chiến đấu với cuộc điều tra luận tội và cuộc chiến thương mại cùng những tác động tiêu cực của nó đối với nền kinh tế Mỹ đang trở thành một phần của những tính toán chính trị, đặc biệt là khi cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đang cận kề.
Cho dù hai nước đã đạt được thỏa phần, nhưng thuế quan thì vẫn còn đó, và đòn giáng thuế quan tháng 12 của Mỹ vẫn còn treo lơ lửng phía trên các cuộc đàm phán như một lời đe dọa. Cuộc chiến thương mại vẫn sẽ tiếp tục gây tổn hại tới không chỉ nền kinh tế của Mỹ hay Trung Quốc, mà còn làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trước đây Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đồng ý về một thỏa thuận mua nông sản Mỹ - mà vị Tổng thống Mỹ ca ngợi là "tuyệt vời" - trong bữa tối làm việc tại Buenos Aires, Argentina. Nhưng tới tháng 5 vừa qua, thỏa thuận ấy đã hoàn toàn chìm vào quên lãng khi đàm phán thương mại đổ vỡ.
Tới tháng 6, ông Trump lại tuyên bố Trung Quốc sẽ mua vào "một lượng nông sản không lồ" từ Mỹ sau khi dùng bữa trưa với Chủ tịch Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, Nhật Bản. Chí ít thì thỏa thuận đình chiến này còn kéo dài được trong một tháng, theo SMH.
Tuy nhiên, thỏa thuận lần này có thể sẽ khác bởi chính trường Mỹ đang liên tục "có biến".
Có lẽ chính quyền ông Trump sẽ không muốn thực hiện thêm bất kỳ hành động nào khiến kinh tế Mỹ thêm suy yếu trước thềm bầu cử.
Các đại diện của Trung Quốc đã mỉm cười trong bữa tối hôm thứ 6 vừa qua, có lẽ vì họ chưa cần phải đáp ứng yêu cầu gì quá to tát của Mỹ mà vẫn đạt được mục đích mua thêm hàng nông sản có lợi cho mình.
Trong khi đó, dường như các đại diện của Mỹ có vẻ mặt nhăn nhó vì họ nhận ra rằng họ đã đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc, theo SMH.
Trí Thức Trẻ
- Con số bất ngờ lý giải tại sao Trung Quốc lại muốn thỏa thuận thương mại
- Lộ trình đánh thuế của ông Trump đã đi từ kế hoạch bài bản đến mớ bòng bong hỗn loạn như thế nào?
- Điêu đứng vì thương chiến, nông dân Mỹ phá sản nhiều kỷ lục
- Ông trùm đầu cơ Mỹ cảnh báo sau chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ sẽ là chiến tranh vốn
- Ông Trump dọa tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận thương mại