Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Việt Nam thành bếp ăn thế giới - Ước mơ không xa
Ẩm thực Việt Nam đủ hấp dẫn và phong phú để chinh phục cả thế giới.
Chín món ăn truyền thống đặc trưng của Hà Nội đã được giới thiệu để phục vụ phóng viên quốc tế trong những ngày tác nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 là bún chả, bún thang, phở Thìn, xôi chè Phú Thượng, bánh khúc cô Lan, chè sen Hồ Tây, cà phê trứng Giảng, chả cốm Mễ Trì và giò chả Ước Lễ, bên cạnh thức uống chính thức là nước trái cây tự nhiên We love của Lavifood.
Thấy họ ăn ngon là vui!
Chị Nguyễn Thị Tuyến, đại diện CLB Xôi chè Phú Thượng cho hay mỗi ngày chị chuẩn bị từ 300-500 suất xôi/ca phục vụ hội nghị.
Phở là một trong những món ăn thu hút đông đảo phóng viên trong và ngoài nước Ảnh: CAO LỰC
Xôi của làng Phú Thượng, quận Tây Hồ, dẻo, thơm, ngọt, lại màu sắc sặc sỡ. "Nhìn các phóng viên thưởng thức đặc sản làng nghề rồi khen ngon, có hương vị riêng kèm theo những nụ cười tươi, rất thân thiện, chúng tôi thật sự vui sướng. Đó là động lực để mỗi ngày chúng tôi dậy từ 2-3 giờ sáng bắt đầu công việc của mình" - chị Tuyến nói. Người phụ nữ của làng Phú Thượng cũng chia sẻ ước mơ của tất cả người dân làng nghề là đưa món xôi của làng vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.
Không riêng chị Tuyến mà chị Lê Kim Oanh, đại diện cơ sở bánh cuốn Bà Hoành, hay cô Nguyễn Thị Lan, chủ thương hiệu bánh khúc cô Lan, cũng có chung tâm sự. Nghệ nhân Đào Đức Toàn, đại diện cơ sở giò chả Đức Tín (huyện Thanh Oai), cho biết để cung cấp đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, từ 1 giờ hằng ngày, cơ sở này đã tới nơi cung cấp thịt để giám sát việc tách lọc, lấy phần ngon nhất về chế biến.
Bà Bùi Thị Hương Thủy, Phó Phòng Quản lý di sản Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội, cho biết các phóng viên quốc tế rất thích thú trước những món đặc sản Hà Nội, đặc biệt là cà phê trứng Giảng, một trong những thương hiệu cà phê lâu đời nhất ở đất Hà Thành, do cụ Nguyễn Văn Giảng, từng là nhân viên pha chế ở khách sạn Metropole thời Pháp, sáng tạo.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho hay mặc dù thời gian để chuẩn bị cho hội nghị rất gấp nhưng Sở VH-TT Hà Nội nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ các chủ cơ sở chế biến. "Tất cả đều xác định đây là cơ hội quảng bá không phải chỉ cho Hà Nội mà còn là cho chính thương hiệu của mình" - ông Động nói, đồng thời bày tỏ: "Tôi mong đến một ngày nào đó, Việt Nam sẽ thành bếp ăn của thế giới và Hà Nội sẽ là một phần quan trọng của bếp ăn đó".
Đãi hàng chục bữa không trùng lặp
Không phải đến bây giờ mơ ước này mới được nhắc đến. Từ hơn chục năm trước, ông Philp Kotler, một trong những nhà sáng lập trường phái marketing hiện đại của thế giới, từng gợi ý: "Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới".
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng món ăn Việt Nam có thể đãi khách quốc tế hàng chục bữa mà không sợ có món ăn nào trùng lặp. Mỗi địa phương đều có những món ăn độc đáo được coi là đặc sản. Tuy nhiên, du lịch ẩm thực Việt Nam hiện còn kém phát triển so với nhiều nước trên thế giới, từ chiến lược đến hành động và hiệu quả. Vì thế, để đẩy mạnh lĩnh vực du lịch ẩm thực, nếu chỉ có sự năng động của doanh nghiệp tư nhân, hệ thống nhà hàng và các hiệp hội là chưa đủ mà còn cần cả sự quản trị của nhà nước và chính quyền địa phương cùng nhiều lĩnh vực khác.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, cũng từng nhìn nhận nếu chọn ẩm thực Việt để xây dựng thương hiệu cần phát triển những nhà hàng đạt chuẩn được quốc tế công nhận để quảng bá ra thế giới. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để các đầu bếp cũng như đội ngũ nhân viên được tu nghiệp, đào tạo ở nước ngoài với mục đích tiếp xúc, học hỏi cách chế biến, phong cách nấu ăn, quản lý phục vụ chuyên nghiệp của bạn bè quốc tế.
Đồng quan điểm trên, ông Tô Văn Động cho biết Sở VH-TT Hà Nội thường xuyên tổ chức các liên hoan ẩm thực, đưa nghệ nhân tham gia các chương trình giao lưu ẩm thực quốc tế để quảng bá các món đặc sản Việt Nam. "Ngay sau hội nghị này, trong tháng 3, chúng tôi sẽ mời các nghệ nhân tham gia một chương trình giao lưu ẩm thực tại Pháp với các món phở, bún chả, nem, nem cuốn, chả cá, cà phê trứng..." - ông Động thông tin.
Phải chọn "át chủ bài"
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, nhận xét việc đưa các món đặc sản Việt Nam phục vụ phóng viên quốc tế là một hành động "khôn ngoan", gây ấn tượng đẹp với họ.
Theo ông Đạt, ước mơ Việt Nam trở thành bếp ăn thế giới không phải là quá xa vời bởi lợi thế là nước nông nghiệp, thực phẩm ngon và rẻ. "Muốn ẩm thực Việt Nam được nhiều người biết đến chúng ta cần chọn một vài đặc sản làm "át chủ bài" mà cả thế giới biết đến như phở, bún chả, bún nem, bánh mì chứ không nên dàn trải. Các nước Trung Quốc, Nhật, Hàn cũng vậy" - ông Đạt chia sẻ.
Người lao động