MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương mại điện tử: Cạnh tranh bằng cách..."đốt tiền"

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang được xem là cạnh tranh khốc liệt bậc nhất thế giới. Cạnh tranh bằng cách... “đốt tiền” được xem là một trong những đặc trưng của các sàn TMĐT tại Việt Nam hiện nay.

Không “đốt tiền” thì "chết"...

Điển hình của một trong những sàn TMĐT theo phương châm kinh doanh này chính là Vuivui.com của đại gia bán lẻ hàng công nghệ số 1 Việt Nam hiện nay – Thế Giới Di Động. Đầu năm 2017, Vuivui.com chính thức ra mắt và tuyên bố “không làm TMĐT theo kiểu đốt tiền bằng mọi giá”. Đúng là Vuivui.com đã không “đốt tiền” bằng mọi giá, song không “đốt tiền” thì cũng không cạnh tranh nổi, đến tháng 11.2018 Vuivui.com tuyên bố đóng cửa.

“Đốt tiền”, nhưng không trường vốn, thì sớm muộn cũng “chết”. Sàn TMĐT Lingo là một điển hình. Lingo.vn được trình làng từ năm 2011, đến tháng 8.2016 Lingo âm thầm đóng cửa với khoản tiêu tốn được cho là lên đến khoảng 150 tỉ đồng.

Vào thời điểm Lingo đóng cửa, các sàn TMĐT lớn nổi lên tại thị trường Việt Nam có Lazada, Tiki, Sendo, Shopee... với tiềm lực tài chính mạnh hơn rất nhiều, chủ yếu đến từ các khoản vốn gọi được từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Đơn cử, Lazada của tập đoàn Rocket Internet (Thụy Điển) sau đó được bán lại cho Alibaba và đến nay đã được đầu tư vào tới vài tỉ USD. Sendo có các khoản đầu tư trước và sau từ các đối tác Nhật lên đến cả trăm triệu USD.

Tiki có cả ngàn tỉ đồng rót từ Cty VNG của Việt Nam và sàn TMĐT trong Top 3 tại Trung Quốc là JD.com. Shopee được Cty mẹ SEA từ Singapore rót thêm vốn điều lệ trong sáu tháng đầu năm 2018 thêm 50 triệu USD...

“Đốt tiền” cũng chưa chắc thắng

Nói đến các sàn TMĐT tại Việt Nam hiện nay, 5 cái tên thường được nhắc đến là Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi. Tuy nhiên, 3 cái tên đầu chính là những sàn “đốt tiền” nhiều nhất trong vài năm trở lại đây.

Đứng đầu về “đốt tiền” và lỗ là Lazada. Tổng cộng lỗ lũy kế của sàn này tính đến hết năm 2018 đã lên tới hơn 5.300 tỉ đồng, trong đó khoản lỗ năm 2018 là 2.150 tỉ đồng. Shopee xếp thứ hai về “đốt tiền” và lỗ, với khoản lỗ lũy kế hơn 2.700 tỉ đồng, trong đó khoản lỗ năm 2018 là lớn nhất, khoảng 1.900 tỉ đồng.

Tiki vốn là doanh nghiệp TMĐT Việt Nam, thế nhưng tổng cộng lỗ lũy kế trong những năm qua cũng đã hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó khoản lỗ của năm 2018 lên đến 760 tỉ đồng.

Thương mại điện tử: Cạnh tranh bằng cách...đốt tiền - Ảnh 1.

(Đồ họa của CafeF).

Đó là chưa có thống kê về những con số “đốt tiền” từ các sàn còn lại như Sendo và Adayroi. Theo một số chuyên gia, nếu cộng cả 5 sàn, con số lỗ khả năng là trên 10.000 tỉ đồng.

“Đốt tiền” nhiều ở mức khác nhau, song trên thực tế thị trường, thị phần giữa các sàn trong Top 3 lại không hơn thua nhau quá nhiều. Thậm chí, Lazada “đốt tiền” nhiều nhất nhưng theo kết quả nghiên cứu của iPrice, trong một số quí, lượt truy cập vào Lazada tại Việt Nam lại thấp hơn Shopee và thậm chí là Tiki.

Đầu tư vào các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam hiện nay cũng được xem là “ngồi trên lưng cọp” và chấp nhận cái bẫy không thể rút ra được. Bởi nếu muốn rút ra trong khi sàn vẫn đang thua lỗ thì giá trị các khoản đầu tư trước đó có thể trở về con số 0. Chính vì thế, buộc nhà đầu tư phải tiếp tục rót vốn vào để bảo toàn giá trị đầu tư trước đó hoặc tìm mối bán lại với giá chấp nhận được.

Sau những năm “chinh chiến” trong “đấu trường” TMĐT khốc liệt của Việt Nam, không ít người đã rút ra bài học là không thể nằm trong tốp dẫn đầu nếu không “đốt tiền”.

Theo Thế Lâm

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên