Thương mại điện tử có còn là mảnh đất “dễ làm giàu”?
Những năm vừa qua, thị trường TMĐT đã bùng nổ sôi động với sự xuất hiện của nhiều sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước. Ngày càng có nhiều người từ bỏ công việc văn phòng, quyết tâm khởi nghiệp kinh doanh với TMĐT và thành công, thậm chí, không ít người đã thu được doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm nhờ TMĐT. Nhưng giờ đây, khi thị trường đã dần quay về quỹ đạo ổn định, cùng với việc đã có nhiều người tham gia vào thì TMĐT có còn là “mảnh đất màu mỡ” để “làm giàu” dễ dàng?
Khi nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn cầu phải đối mặt với khó khăn kể từ cuối năm 2019 do đại dịch Covid-19 thì dường như các doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT lại phát triển vô cùng mạnh mẽ. Mua sắm trên mạng dần trở thành một phương thức tiêu dùng phổ biến của mọi người trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia dự báo rằng, TMĐT sẽ vẫn tiếp tục trở thành một xu hướng tiềm năng trong thời gian tới và đó là cơ hội “đổi đời” dành cho những người biết nắm bắt thời cơ.
Chị Trịnh Thị Mai (Hà Nội) từ một người làm thuê đã trở thành bà chủ, kiếm ra tiền và đảm bảo đời sống vật chất đủ đầy cho gia đình nhờ TMĐT. Chị Mai chia sẻ, chị quyết định nghỉ việc tại một doanh nghiệp logistics để theo đuổi việc bán hàng online toàn thời gian sau khi nhận thấy nhiều cơ hội kiếm tiền từ TMĐT.
Khởi điểm, chị đã mở một gian hàng bán tinh dầu trên Lazada sau khi trải nghiệm một vài sàn TMĐT trên thị trường. Nhờ được hỗ trợ kiến thức kinh doanh từ đội ngũ chuyên môn của sàn, từ một người bán hàng online chỉ xuất được vài chục đơn mỗi ngày, chị Mai đã bứt phá thành nhà bán hàng tiềm năng với 3.000-4.000 đơn/tháng, tạo ra doanh thu gần 400 triệu đồng mỗi tháng.
Chị Mai cho biết, chất lượng cuộc sống của bản thân chị và gia đình đã được thay đổi rất nhiều nhờ nguồn thu nhập tốt từ kinh doanh qua TMĐT. Nếu như trước đây với tiền lương từ công việc văn phòng, chị chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình thì giờ đây chị đã có những khoản tích lũy đáng kể.
Không chỉ những nhà bán lẻ như chị Mai, nhiều doanh nghiệp từ trung bình đến lớn cũng tích cực tham gia mở gian hàng trên các sàn TMĐT và dần bắt nhịp với mô hình kinh doanh trực tuyến với mục đích tăng doanh thu, tạo lợi nhuận. Nhưng liệu rằng, khi ngày càng nhiều người tham gia vào thì mảnh đất TMĐT liệu có còn “màu mỡ” để làm giàu dễ dàng?
“Đại dương đỏ” thương mại điện tử liệu có còn màu mỡ?
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, Việt Nam có tới 57% dân số sử dụng internet và gần 55 triệu thuê bao sử dụng smartphone, xếp hạng 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi số hoá nhanh trên thế giới. Đây là những con số minh chứng cho việc TMĐT không phải một “miếng bánh” có giới hạn, mà thực sự ngành này vẫn còn nhiều dư địa để phát triển theo chiều rộng và cả theo chiều sâu. Nhưng để khai thác triệt để tiềm năng này, đã tới lúc các doanh nghiệp phải có chiến lược rõ ràng, bài bản và tận dụng hiệu quả những hỗ trợ từ sàn để tạo lợi thế cạnh tranh.
“Kinh doanh trên TMĐT đã không còn là một xu hướng nhất thời, có thể giàu nhanh dễ dàng. Giờ đây, khi mà các nền tảng TMĐT đã cung cấp được một cơ sở hạ tầng về công nghệ và logistics đồng đều cho tất cả mọi người thì các doanh nghiệp cần “tỉnh táo” phân tích được điểm mạnh điểm yếu của mình để lựa chọn phân khúc thị trường, cách tiếp cận và chiến lược giá phù hợp cho sản phẩm/dịch vụ của mình” – đại diện nền tảng TMĐT Lazada Việt Nam nhận định.
Ở một khía cạnh khác, khi TMĐT đang dần tiến hóa đến mô hình hệ sinh thái TMĐT thì nhiều nghề nghiệp, phương thức kiếm tiền mới cũng được “khai sinh”, phổ biến nhất có thể kể đến như Streamer (người phát trực tiếp trên các nền tảng bán hàng) hay KOL affiliate (giải pháp tiếp thị sản phẩm thông qua người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội). Đây là hai nghề có sức thu hút với các bạn trẻ trên TMĐT nhờ sự linh động, tự do thể hiện bản thân, đồng thời mang đến thu nhập tốt.
Anh Đỗ Hữu Hưng, CEO ACCESSTRADE, một công ty về nền tảng Affiliate Marketing hàng đầu tại Việt Nam từng chia sẻ rằng: “Chỉ có 33% người mua hàng tin tưởng vào các mẫu quảng cáo trong khi con số dành cho những lời giới thiệu đến từ những nhân vật có sức ảnh hưởng lại lên đến 90%”.
Có thể thấy, việc kiếm tiền từ TMĐT giờ đây không chỉ bó hẹp trong công việc kinh doanh buôn bán mà còn đang mở rộng thêm nhiều ngành nghề mới, cùng với tâm lý chuyên nghiệp, đầu tư chiến lược bài bản từ các cá nhân tham gia. Đây chính là những yếu tố giúp “đổi sắc” cho thị trường TMĐT – vốn được coi là “đại dương đỏ” đầy tính cạnh tranh.
Trong bối cảnh đó, tuyến nội dung “Kiếm tiền từ TMĐT – Sao không thử?”, được phối hợp tổ chức bởi CafeF và nền tảng TMĐT Lazada Việt Nam ra đời nhằm mục đích chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và truyền cảm hứng để mọi người có thể nắm bắt cơ hội từ “mỏ vàng” TMĐT. Tuyến nội dung là tập hợp những câu chuyện, kinh nghiệm đắt giá và bài học thành công trên TMĐT từ đại diện các thương hiệu, nhà bán hàng cũng như chính độc giả. Cùng với đó là những chia sẻ về xu hướng nghề nghiệp mới đầy hứa hẹn như KOC, Affiliate marketing,… cũng như những nhận định, góc nhìn chiến lược từ các chuyên gia trong ngành, những người có tầm ảnh hưởng.
Nhịp sống thị trường
- Chọn sàn TMĐT thế nào để thành công?
- Nhà bán hàng chia sẻ chiến thuật lạ trên TMĐT: Vì sao có những sản phẩm được bán ở mức giá chắc chắn lỗ?
- Ngành học TMĐT có gì hot đến vậy mà sinh viên thi 9 điểm/môn chưa chắc đỗ?
- Seller sở hữu tới 5 thương hiệu bán trên TMĐT: Nếu đang tìm cách xây dựng thương hiệu riêng mà chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy thử kinh doanh trên TMĐT
- Pu Mét Bảy tiết lộ bí quyết giúp KOC nổi bật, được nhiều nhãn hàng ‘săn đón’