MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương vụ Grab “thâu tóm” Uber: “Đấu trường sinh tử” của ông lớn taxi Việt

Ngày 8.4, ứng dụng Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam chính thức dừng hoạt động. Đang ở vị trí vượt trội về công nghệ lẫn thị phần taxi ở Việt Nam, Uber dần suy giảm sức mạnh, chính thức bị Grab thâu tóm. Thương vụ này được đánh giá thuộc dạng lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, phá vỡ thế chân vạc trong cuộc cạnh tranh Uber, Grab và taxi truyền thống. Nhiều chuyên gia kỳ vọng đây là “cơ hội vàng” mở ra với taxi truyền thống.

Màn đáp trả của “ông lớn” taxi Việt

Trên thực tế, khi cả hai cùng tồn tại, cuộc đua “ưu đãi khủng” cho cả tài xế lẫn khách hàng được hai bên đưa ra để giành thị phần, lôi kéo tài xế. Do đó, khi Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, đổi lại Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần tại Grab, nhiều người dự đoán các chiến dịch khuyến mại khủng, giá cước rẻ sẽ biến mất và khách hàng sẽ là người chịu thiệt. Và đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp taxi Việt phất lên, giành thị phần.

Ông Trần Thành Nam, người sáng lập ứng dụng gọi xe công nghệ ViVu, cho biết, quyết định rút lui của Uber tại Đông Nam Á đã thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào ứng dụng gọi xe công nghệ. Doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang đã đầu tư 100 triệu USD vào ViVu (đổi tên ứng dụng thành VATO), đồng thời thông tin, ứng dụng gọi xe này cho phép người dùng mặc cả với lái xe để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi vốn là chức năng mà cả Uber lẫn Grab đều không có. Với số lượng xe hơi đăng ký hiện tại 2.000 xe, ông Nam khẳng định, giá tiền khách hàng phải trả 8.500đồng/km tương tự như GrabCar, nhưng tỉ lệ chiết khấu tài xế phải nộp là 20% vẫn thấp hơn 5% so với Grab đang thu hiện tại.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cho biết, sau thông tin Grab mua lại Uber, những ngày qua, số lượng đối tác đăng ký Mai Linh Bike tăng gấp nhiều lần so với những ngày trước đây. Mỗi ngày có hơn 100 tài xế đến đăng ký chạy Mai Linh Bike. Để tạo khác biệt với Grab, ông Huy nói, hãng cam kết chỉ thu 15% chiết khấu và tặng 100% phí đồng phục nếu trong tháng đầu đối tác đạt doanh thu từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. “Ông lớn” taxi Việt còn mua bảo hiểm cho tất cả đối tác sau khi đối tác hoạt động từ 6 tháng. Với hoạt động vận chuyển khách bằng ôtô, về chi phí quản lý, Mai Linh taxi chỉ thu từ 12% doanh thu đối với năm đầu đầu tiên (hợp đồng cam kết chạy 3 năm) và 2 năm đầu (hợp đồng ký 5 năm) và 14,9% đối với thời gian còn lại của hợp đồng. Các xe màu bạc được giữ nguyên màu sơn. Còn các xe màu đậm sẽ được Mai Linh hỗ trợ 100% tiền sơn xe tại các xưởng của Mai Linh. Theo đại diện Mai Linh tỉ lệ chiết khấu doanh thu 15% được công ty cam kết duy trì lâu dài. Trong đó, đối tác lái xe sẽ được hưởng 85% doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách.

Có thể nói, hy vọng mở ra với taxi truyền thống, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một sân chơi khốc liệt và việc Uber phải bỏ cuộc chơi là một minh chứng. Do đó, để thành công, doanh nghiệp Việt sẽ cần nỗ lực trong nhiều vấn đề.

Đấu với Grab, nhiều doanh nghiệp vận tải “hụt hơi”

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động: “Việc Grab “thâu tóm” Uber phải chăng là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp vận tải, app gọi xe Việt làm nên chuyện, bởi họ được lợi từ nền tảng Uber, Grab để lại”, ông Trần Thành Nam, người sáng lập ứng dụng gọi xe công nghệ ViVu nêu quan điểm: “Không hẳn dễ dàng như vậy. Uber và Grab hiện nắm tới 70 - 80% thị phần khách hàng ở Việt Nam, chưa tính xe máy chở khách, trong khi phần mềm gọi xe trong nước khá ít ỏi. Như Vivu ngày trước, doanh thu rất ít, bây giờ được Phương Trang đầu tư, có những khuyến mãi cho tài xế thời gian đầu, để lôi kéo đối tác. Còn những doanh nghiệp vận tải và ứng dụng gọi xe trong nước khác nếu không có tiền sẽ rất lao đao”.

Bằng chứng, mới đây, Công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp Sài Gòn - Savico (SVC) đã có thông báo gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) về việc dừng hoạt động kinh doanh taxi tại Liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi.

Savico cho biết hiện tại liên doanh taxi này phải tạm ngưng hoạt động kinh doanh taxi để nghiên cứu cơ hội kinh doanh phù hợp.

Theo báo cáo tài chính mới nhất phóng viên Báo Lao Động có được, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho rằng bị cạnh tranh “không lành mạnh” bởi taxi công nghệ, năm 2017, Vinasun chỉ đạt được 73% kế hoạch doanh thu. Hãng này dự báo doanh thu năm 2018 tiếp tục giảm 1.000 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính, doanh thu và lợi nhuận kinh doanh của Vinasun năm 2017 đạt 2.937 tỉ đồng, giảm 1.582 tỉ đồng so với năm 2016 (giảm 35%) và chỉ đạt 73% kế hoạch ban đầu. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 chỉ đạt 189 tỉ đồng, giảm gần 40% so với 2016 và chỉ đạt 92,37% so với kế hoạch. Số xe đầu tư trong năm 2017 là 567 chiếc, giảm 41.57% so với 2016, đạt 75.6% so với kế hoạch. Trong khi đó, doanh nghiệp này lại tăng số xe thanh lý. Theo đó, Vinasun quyết định thanh lý 1.293 (kế hoạch ban đầu sẽ thanh lý 1.050 xe).

Như vậy, doanh thu của Vinasun giảm sâu so với các năm trước đây. Nếu như năm 2014, Vinasun đạt doanh thu 3.770 tỉ đồng, năm 2015 là 4.252 tỉ đồng, năm 2016 là 4.520 tỉ đồng thì năm 2017 chỉ còn 2.692 tỉ đồng.

Theo báo cáo, Vinasun cho rằng, hoạt động kinh doanh taxi của hãng này bị ảnh hưởng từ việc cạnh tranh khốc liệt của các công ty nước ngoài. Vinasun cho rằng các công ty nước ngoài này (ám chỉ Uber, Grab) cạnh tranh không lành mạnh bằng giá thấp phi lý, liên tục dùng nguồn tài lực để khuyến mãi cho khách hàng, tài trợ cho chủ xe, lái xe nhằm xâm chiếm thị phần của các công ty nước ngoài.

Điều này được thể hiện thông qua các chỉ số, như số lượng cuộc gọi bình quân hàng ngày đến hãng này đã giảm 25% trong năm qua, hiện tại chỉ còn khoảng 36.000 lượt (năm 2016 là (năm 2016 là 48.521 lượt). Bình quân lượt khách qua điểm tiếp thị cũng giảm 8%, từ 39.803 lượt năm 2016 xuống còn 36.542 lượt năm 2017. Số xe kinh doanh bình quân giảm nhẹ 0,3%, từ 6.057 lượt năm 2016 xuống còn 5.874 lượt năm 2017. Tổng nguồn vốn của Vinasun cũng giảm từ 3.183 tỉ đồng xuống còn 2.816 tỉ đồng, giảm 11.52% so với năm 2016.

Vinasun cho biết, ngoài việc bị cạnh tranh bởi các công ty nước ngoài, còn có những yếu tố nội tại, như giá xăng trong năm thay đổi 19 lần, 6 tháng đầu năm giá xăng giảm 1.090 đồng/lít, 6 tháng cuối năm giá xăng lại tăng 2.080 đồng/lít, làm cho giá xăng cả năm tăng gần 1.000 đồng/lít. Ngoài ra, chi phí khấu hao tăng do việc thay thế xe mới, thuế trước bạ của xe ôtô là 10%. Lương tối thiểu tăng 6,12% làm cho phí Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tăng, đồng thời cũng tăng các chi phí khác.

Bởi những thách thức trên, Vinasun đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 chỉ là 1.750 tỉ đồng (giảm gần 1.000 tỉ đồng so với năm 2017). Kế hoạch năm 2018 giảm 65% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu giảm 50% so với năm 2017 và chỉ đạt khoảng 95 tỉ đồng.

Vinasun cũng đặt mục tiêu tổng số xe hoạt động kinh doanh cuối năm 2018 là 6.273 chiếc, hàng ngày có 12.000 lượt khách đặt xe của Vinasun thông qua app.

Hãy biết tận dụng cơ hội, đưa ra giá trị mới

Dù còn rất nhiều khó khăn, song taxi truyền thống vẫn có những ưu điểm được người dùng ghi nhận mà Grab chưa thể có được, như taxi không tăng giá vào dịp cao điểm, có trách nhiệm nộp thuế rõ ràng.

Tài xế của taxi truyền thống được các quyền lợi của người lao động, có chính sách phúc lợi, ổn định hơn về thu nhập và cũng được hãng xe bảo vệ quyền lợi trong trường hợp cần thiết. Nếu phát huy được những điểm mạnh, tinh giản lại bộ máy và cạnh tranh vào những điểm mà Grab còn yếu, cơ hội vẫn còn cho taxi truyền thống.

Chia sẻ với Báo Lao Động, ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, ngay sau khi Uber và Grab vào Việt Nam, việc Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt.

Khi Grab “một mình một ngựa” sẽ không còn áp lực phải giảm giá để quảng bá hay giành giật thị trường nữa. Khách hàng cũng đã có thói quen sử dụng dịch vụ chất lượng và tiện nghi nên đa phần sẽ không chuyển xuống sử dụng dịch vụ thấp hơn, và điều này thuận lợi cho taxi truyền thống nếu họ nâng chất lượng dịch vụ. Tất nhiên, không có cơ hội nào không bao hàm thách thức, song cơ hội hiện nay rõ rệt hơn, và phải biết tận dụng.

“Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, điều mong muốn là sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng phần mềm gọi xe, thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn và người dân được hưởng lợi”, ông Liên nhận định.

Theo Ngô Cường

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên