MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thụy Sĩ loại bỏ truyền thống trung lập, quyết định đóng băng tài sản của các cá nhân Nga bị trừng phạt

01-03-2022 - 10:02 AM | Tài chính quốc tế

Thụy Sĩ loại bỏ truyền thống trung lập, quyết định đóng băng tài sản của các cá nhân Nga bị trừng phạt

Đây được xem là quyết định mang tính bước ngoặt của Thụy Sĩ, nơi vẫn là lựa chọn ưa thích của nhiều nhà tài phiệt Nga để gửi tiền của họ.

Trong tuyên bố ngày 28/2, Thụy Sĩ cho biết sẽ đóng băng các tài sản tài chính của Nga ở nước này, loại bỏ truyền thống trung lập có nguồn gốc sâu xa, vốn đã tạo nên tên tuổi của "trung tâm tài chính bí mật nhất thế giới" này.

Động thái của Thụy Sĩ diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều nước châu Âu và các quốc gia khác tìm cách trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này trên đất Ukraine.

Sau cuộc họp với Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ, Tổng thống Ignazio Cassis cho biết nước này sẽ ngay lập tức đóng băng tài sản của Tổng thống Nga, Vladimir V. Putin, Thủ tướng Mikhail V. Mishustin và Ngoại trưởng Sergey V. Lavrov, cũng như tất cả 367 cá nhân bị Liên minh châu Âu trừng phạt vào tuần trước. Tuy nhiên, không thể xác định những ai trong danh sách này có tài sản ở Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ cho biết họ từ bỏ chính sách trung lập thông thường để phản đối động thái quân sự của Nga nhưng cũng bày tỏ sẵn sàng giúp hòa giải trong cuộc xung đột. Quốc gia này cũng đã đóng cửa không phận với máy bay Nga, điều mà toàn bộ 27 nước Liên minh châu Âu đã thực hiện, ngoại trừ mục đích nhân đạo hoặc ngoại giao. Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng cho biết họ sẽ xem xét xử lý theo từng trường hợp cụ thể.

Dữ liệu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho thấy các công ty và cá nhân Nga nắm giữ tài sản hơn 11 tỷ USD trong các ngân hàng Thụy Sĩ vào năm 2020. Là một trung tâm thương mại hàng hóa toàn cầu, Thụy Sĩ cũng là nơi có nhiều công ty kinh doanh dầu mỏ và xuất khẩu các mặt hàng khác từ Nga.

Chính bởi danh tiếng trong sự trung lập, Liên Hợp Quốc đã đặt trụ sở tại Geneva. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều cuộc đàm phán hòa bình trong suốt nhiều thập niên qua. Gần đây, Geneva cũng là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm ngoái.

Bản thân Tổng thống Cassis cũng bày tỏ lo ngại rằng tín nhiệm của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng với tư cách là một trung gian ngoại giao khi tự động tuân theo các biện pháp trừng phạt mà châu Âu đang triển khai. Hồi tuần rước, Thụy Sĩ cho biết họ chỉ thực hiện lệnh cấm đi lại với những người Nga nằm trong danh sách trừng phạt của EU và ngăn các ngân hàng Thụy Sĩ nhận tiền gửi mới từ Nga.

Tuy nhiên, Thụy Sĩ đang áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn. Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Tổng thống Cassis đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Ở thời điểm hiện tại, Nga đang là tâm điểm của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Những biện pháp cứng rắn nhất cũng đã được ban hành với mục đích gây tổn thất nặng nề nhất cho nền kinh tế Nga, điều mà phương Tây tin có thể ngăn động thái quân sự của Moscow ở Ukraine.

Ngoài ra, phương Tây cũng đồng loạt viện trợ vũ khí và tài chính cho Ukraine nhằm mục tiêu họ mô tả là hỗ trợ quốc gia này "phòng thủ" trước Nga. Các biện pháp hỗ trợ đang giúp Ukraine cầm cự trước Nga tại các thành phố quan trọng của nước này.

https://cafef.vn/thuy-si-loai-bo-truyen-thong-trung-lap-quyet-dinh-dong-bang-tai-san-cua-cac-ca-nhan-nga-bi-trung-phat-20220301100210025.chn

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên