Tỉ phú Ấn Độ đưa 4.500 du khách đến Việt Nam, vỡ ra nhiều chuyện
Khách Ấn Độ đang nổi lên là một trong những thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam.
- 21-08-2024Du lịch đêm: 'Không làm thì thiếu, làm thì thừa'
- 20-08-2024Báo Ấn Độ khen du lịch Việt Nam, ví là 'thỏi nam châm' hút khách
- 14-08-2024Vì sao tỉ phú Ấn Độ đưa 4.500 nhân viên đến Việt Nam du lịch?
Khoảng 1 tuần nữa, đoàn hơn 4.500 du khách từ Sun Pharma - tập đoàn dược phẩm lớn thứ tư trên thế giới của tỉ phú Ấn Độ - sẽ tham quan Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới của ngành du lịch trong việc khai thác thị trường tỉ dân này. Đáng chú ý, Ấn Độ đang là 1 trong 7 thị trường cung cấp nguồn khách quốc tế lớn nhất cho du lịch Việt Nam.
Tăng đột biến
Liên quan đến công tác chuẩn bị đón đoàn khách Ấn Độ lớn nhất từ trước đến nay, chiều 21-8, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho biết có nhiều đơn vị phối hợp với nhau, trong đó Vietravel phụ trách chính tổ chức đón tiếp, triển khai các dịch vụ đi lại, ăn uống, lưu trú và vui chơi, giải trí cho du khách.
Đoàn khách sẽ có 5 ngày tham quan du lịch kết hợp làm việc và nghỉ dưỡng tại Hà Nội, vịnh Hạ Long và Ninh Bình. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các sự kiện và hội nghị quốc tế.
Không riêng đoàn khách này, bà Vân Khanh cho hay trong 7 tháng đầu năm, Vietravel cũng đã đón khoảng 6.000 lượt khách Ấn Độ, gấp 6 lần số khách Ấn Độ mà công ty đã đón trong năm 2023. Du khách Ấn Độ khi đến Việt Nam thường ưu tiên lựa chọn các điểm đến nổi bật như Hà Nội, TP HCM, Hạ Long, Đà Nẵng... Những điểm đến này không chỉ mang đến trải nghiệm phong phú về văn hóa, lịch sử và ẩm thực mà còn phù hợp với sở thích khám phá và trải nghiệm của du khách Ấn Độ.
Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Trong đó, khách Ấn Độ đạt hơn 271.000 lượt, tăng 127%. Khách du lịch từ đất nước tỉ dân này cũng tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng của các thị trường khách khác tới Việt Nam.
Theo đánh giá của tờ The Economic Times, ước tính năm 2024, du khách Ấn Độ sẽ chi tiêu khoảng 42 tỉ USD cho du lịch nước ngoài. Đây hiện là một trong những thị trường khách tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Bà Thái Phương Hòa, Tổng Giám đốc Sun World (Tập đoàn Sun Group), nhận định dòng khách Ấn Độ ngày càng quan tâm và yêu thích các điểm đến của Việt Nam. Đặc biệt, Phú Quốc, Hạ Long, Đà Nẵng được xem là điểm đến mới lý tưởng dành cho các sự kiện đám cưới, kỷ niệm, đính hôn... của tầng lớp thượng lưu và trung lưu Ấn Độ. "Khách Ấn Độ có xu hướng thích đến những nơi có thời tiết mát mẻ, cảnh quan đẹp hoặc biển đẹp, thích mua sắm và các dịch vụ giải trí. Ngoài ra, họ cũng ưu tiên các điểm đến có dịch vụ và nhà hàng ẩm thực phù hợp với thị hiếu và thói quen của họ như các món Ấn, chay hoặc Hala food" - bà Thái Phương Hòa nói.
Thống kê tại các công viên Sun World, khách Ấn Độ cũng đang có xu hướng tăng trưởng tốt gần đây. Nếu như năm 2019, lượng khách chỉ đạt 50.000 lượt thì năm 2023 đã tăng lên 200.000 lượt và dự kiến tăng đến 400.000 lượt trong năm nay. Các khu nghỉ dưỡng của Sun Group ở Phú Quốc, Đà Nẵng cũng là những lựa chọn hàng đầu của nhiều khách Ấn Độ để tổ chức đám cưới.
Trước đó, năm 2023, Việt Nam đã đón hơn 392.000 lượt khách Ấn Độ, tăng tới 231% so với năm 2019. Với con số trên, có thể nói Ấn Độ hiện đã trở thành một trong những thị trường khách du lịch quốc tế quan trọng lớn nhất Việt Nam và làn sóng đón khách sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Hiểu khách để tăng chi tiêu, lưu trú
Để thu hút thêm khách Ấn Độ, các hãng hàng không gần đây đã liên tục mở thêm đường bay thẳng kết nối 2 quốc gia góp phần kích thích nhu cầu đi du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển giữa Ấn Độ - Việt Nam và ngược lại. Từ sân bay Ấn Độ, du khách chỉ mất khoảng 4-5 giờ cho hành trình bay đến Việt Nam.
Khách Ấn Độ đang tăng nhanh là điều ai cũng nhìn thấy nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để khai thác được dòng khách này. Ông Võ Việt Hòa, Giám đốc Khối Du lịch quốc tế Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho hay trong năm 2023, công ty có tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế ITB tại Ấn Độ nhằm xúc tiến du lịch. Trong 7 tháng đầu năm, công ty có đón một số đoàn khách cao cấp kết hợp công tác, lựa chọn các hành trình 6 ngày 5 đêm, nghỉ dưỡng 5 sao tại TP HCM, Hà Nội - Hạ Long. Mức chi tiêu 100 USD/khách/ngày. Dù vậy, lượng khách đến vẫn chưa như kỳ vọng. Trong giai đoạn 2024 - 2025, ngành du lịch cần cải thiện tình trạng khan hiếm hướng dẫn viên tiếng Hindu và một số điều kiện đặc thù của cơ sở lưu trú, nhà hàng trong quá trình phục vụ để dòng khách này thật sự bùng nổ.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc The Outbox Company (đơn vị nghiên cứu về thị trường du lịch), dẫn thống kê cho thấy dù có đến hơn 2/3 du khách Ấn Độ lựa chọn các điểm đến châu Á cho chuyến đi tiếp theo nhưng ở khu vực Đông Nam Á, họ ưu tiên chọn Singapore, Thái Lan và Malaysia hơn là Việt Nam. "Muốn Việt Nam trở thành điểm đến ưu tiên hàng đầu của khách Ấn Độ trong thời gian tới, nhất là dòng khách chi tiêu cao (nhóm khách nhà giàu), đòi hỏi nhiều giải pháp phù hợp đáp ứng thị hiếu, nhu cầu..." - ông Phước nói.
Đại diện Vingroup kể cách đây không lâu, Vinpearl Nam Hội An có tổ chức đám cưới cho cặp đôi triệu phú người Ấn Độ kéo dài 4 ngày 3 đêm với hơn 330 khách mời đến từ giới thượng lưu Ấn Độ. Các đơn vị tổ chức đã huy động hơn 400 nhân sự chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu khắt khe đối với không gian tiệc, từ cách bày trí, cung cách phục vụ, thực đơn. Yếu tố văn hóa, trải nghiệm được yêu cầu chuẩn bị rất kỹ lưỡng, vừa giữ nguyên những nghi lễ, văn hóa, ẩm thực đặc trưng của Ấn Độ vừa phải có sự giao thoa với nét đẹp Việt - Á - Âu. Các bếp trưởng, chuyên gia ẩm thực còn nghiên cứu và sáng tạo nhiều món chay, không dùng thịt heo và thịt bò để phù hợp với khẩu vị của khách…
Để khai thác hiệu quả dòng khách Ấn Độ, nhất là phân khúc khách trung lưu và thượng lưu thời gian tới, tổng giám đốc của Sun World kiến nghị Chính phủ nghiên cứu áp dụng chính sách hỗ trợ visa ngắn hạn cho khách Ấn Độ nhằm tạo cú hích đột phá từ thị trường này. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực. "Cần tăng cường đào tạo nhân sự du lịch chuyên phục vụ khách Ấn Độ ở các nhà hàng, khách sạn, điểm đến du lịch. Các địa phương và điểm đến cũng cần đầu tư hạ tầng phục vụ riêng nhu cầu tín ngưỡng cho khách Ấn Độ, ví dụ như khu vực/phòng cầu nguyện do nhóm khách này có những nhu cầu đặc thù liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, thói quen sinh hoạt riêng biệt... Ngoài ra, đa số du khách Ấn Độ vẫn thích ẩm thực nước họ và thực hành tôn giáo nhưng số lượng đầu bếp có thể nấu được các món Ấn còn rất thiếu" - bà Thái Phương Hòa góp ý.
Đẩy mạnh quảng bá ở cấp quốc gia
Theo các doanh nghiệp, đối với đa số du khách Ấn Độ, Việt Nam là điểm đến mới và chỉ thực sự trở thành điểm hot kể từ sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, khách du lịch Ấn Độ chưa có nhiều thông tin, hiểu biết về du lịch Việt Nam. Do vậy, ngành du lịch cần tăng cường xúc tiến quảng bá mạnh hơn tới thị trường khách Ấn Độ ở cấp quốc gia cũng như đối với các địa phương, doanh nghiệp.
Người lao động