MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiềm lực của loạt đơn vị hùng hậu hàng đầu Trung Quốc muốn 'bắt tay' làm siêu dự án 70 tỷ đô ở Việt Nam

Siêu dự án 70 tỷ USD của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều Tập đoàn Trung Quốc trong thời gian qua.

Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư 60-70 tỷ USD, với cấu trúc đường đôi, khổ 1.435mm, sử dụng điện khí hóa, và hạ tầng được thiết kế cho tốc độ tối đa lên đến 350km/h.

Hiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự án sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 21/10 tới đây.

Thời gian qua, cùng với sự thúc đẩy từ phía Việt Nam, dự án này liên tục nhận được sự quan tâm của nhiều Tập đoàn Trung Quốc.

Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc

Trong cuộc làm việc vào ngày 20/9 vừa qua tại Hà Nội, ông Trương Hướng Dương – Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc, bày tỏ sự quan tâm đến đầu tư phát triển đường sắt cao tốc tại Việt Nam.

Theo ông Trương, Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với 4 công ty xây dựng đường sắt cao tốc lớn nhất Trung Quốc với kinh nghiệm thực hiện tổng chiều dài 40.000 km đường sắt và có doanh số lên tới 150 tỷ USD tại các thị trường nước ngoài.

Do đó, phía Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc sẵn sàng kết nối với các nhà thầu để nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao.

“Chúng tôi mong muốn kết nối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm và nguồn lực mạnh để cùng đóng góp vào hoạt động đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt cao tốc tại Việt Nam”, ông Trương khẳng định.

Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc là doanh nghiệp uy tín tại Trung Quốc trong các lĩnh vực chính đầu tư tài chính, xây dựng hạ tầng giao thông, bất động sản, năng lượng tái tạo…

Với năng lực và nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các dự án trong nước, hiện nay, Tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc đã và đang tiếp tục mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế ở nhiều quốc gia.

Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc

Chiều 28/8, tại trụ sở Chính phủ, ông Wang Hai Huai, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Tại buổi tiếp, lãnh đạo CCCC cho biết Tập đoàn đang theo sát các dự án giao thông quan trọng của Việt Nam kết nối với những địa phương của Trung Quốc - Việt Nam, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, các tuyến Metro ở Hà Nội và TPHCM…

Đáp lời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị CCCC chủ động nghiên cứu, tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng ưu tiên của Việt Nam, nhất là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến đường sắt khổ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, kết nối nền kinh tế của Việt Nam với các tỉnh của Trung Quốc và giữa Việt Nam với một số quốc gia khác. 

Tiềm lực của loạt đơn vị hùng hậu hàng đầu Trung Quốc muốn 'bắt tay' làm siêu dự án 70 tỷ đô ở Việt Nam- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị CCCC chủ động nghiên cứu, tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng ưu tiên của Việt Nam - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc có những đóng góp đáng kể vào cơ sở hạ tầng giao thông Trung Quốc với hàng loạt công trình được công nhận là “tốt nhất” trong lịch sử xây dựng hạ tầng giao thông.

Trong 10 năm qua, đơn vị này đã giành được hơn 160 giải thưởng bao gồm "Giải thưởng Quốc gia về Tiến bộ Khoa học và Kỹ thuật", "Giải thưởng Kỹ thuật Xây dựng Trung Quốc Zhantianyou", "Giải thưởng Dự án Xây dựng Trung Quốc Luban" và "Giải thưởng Chất lượng Cao Quốc gia".

Tập đoàn CCCC hiện có hơn 193 chi nhánh, văn phòng đại diện và hoạt động ở hơn 150 quốc gia, khu vực trên thế giới, với số lượng nhân viên trên toàn cầu lên đến hơn 120.000 người. Tập đoàn hiện có hơn 60 công ty con, đây đều là những công ty lớn, đóng vai trò cốt cốt, chủ lực về sức mạnh xây dựng hệ thống giao thông của Trung Quốc.

Đơn vị này bắt đầu hoạt động Việt Nam từ năm 1996. Qua 30 năm, họ đã thực hiện hơn 30 dự án với tổng giá trị hợp đồng hơn 3 tỷ USD tại Việt Nam, gồm dự án cảng biển, các công trình điện gió gần bờ, các khu công nghiệp...

Tập đoàn Công nghệ Giai Đô

Ngày 3/7, Công ty hữu hạn CP Tập đoàn Công nghệ Giai Đô (Trung Quốc) đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.

Tại buổi tiếp, ông Lưu Vỹ (Chủ tịch/CEO Công ty hữu hạn CP Tập đoàn Công nghệ Giai Đô) cho biết: "Qua các chuyến thăm, công tác tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy việc đầu tư, phát triển đường sắt tại Việt Nam rất giống Trung Quốc trước đây. Những vấn đề mà Việt Nam gặp phải trong tổ chức xây dựng, mô hình vốn... cũng là những vấn đề Trung Quốc gặp, phải xử lý. Chúng tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác sâu rộng hơn tại Việt Nam ở nhiều lĩnh vực từ xây dựng hạ tầng, thiết bị, vận hành..."

Tiềm lực của loạt đơn vị hùng hậu hàng đầu Trung Quốc muốn 'bắt tay' làm siêu dự án 70 tỷ đô ở Việt Nam- Ảnh 2.

Buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và ông Lưu Vỹ. Ảnh: Bộ GTVT

Được thành lập vào năm 1992, đến nay, Tập đoàn Giai Đô đã nhận được hơn 2.000 bằng sáng chế phát minh quốc gia và bản quyền phần mềm. Trong đó, lĩnh vực đường sắt, Giai Đô tập trung vào cơ sở hạ tầng thiết bị bảo trì và vận hành các tuyến đường sắt.

Giai Đô là doanh nghiệp chủ chốt trong chuỗi ngành công nghiệp trọng điểm thuộc cụm ngành chiến lược đầu tiên của tỉnh Quảng Đông, cũng là chủ chuỗi công nghiệp về giao thông đường sắt và trí tuệ nhân tạo của thành phố Quảng Châu.

Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc

Chiều 25/6, tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC).

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc và các đối tác Trung Quốc tham gia tư vấn, đầu tư, thiết kế, thi công các tuyến đường sắt ở Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Việt Nam quyết tâm triển khai trong giai đoạn 2026 – 2027. Do đó, Việt Nam mong hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu. Ông hy vọng thời gian tới hai bên có trao đổi, hợp tác.

Tiềm lực của loạt đơn vị hùng hậu hàng đầu Trung Quốc muốn 'bắt tay' làm siêu dự án 70 tỷ đô ở Việt Nam- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đáp lời, lãnh đạo Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam.

Tập đoàn CRSC là doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước Trung Quốc (SASAC), là nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới và là doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc về tín hiệu đường sắt.

Với hoạt động mạnh mẽ tại hơn 20 quốc gia và khu vực, doanh thu của Tập đoàn năm 2023 đạt hơn 37 tỷ NDT (~129,7 nghìn tỷ VNĐ) và lợi nhuận tương ứng đạt 4,7 tỷ NDT (~16 nghìn tỷ VNĐ).

Tập đoàn này đã xây dựng chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D) đến sản xuất thiết bị và dịch vụ kỹ thuật của hệ thống điều khiển vận tải đường sắt.

Không chỉ các đơn vị đến từ Trung Quốc, hàng loạt các quốc gia, tổ chức lớn trên thế giới, từ châu Á cho tới châu Âu hiện đều bày tỏ sự quan tâm vào dự án trọng điểm này ở Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha,..

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng thế giới World Bank đang cân nhắc rót vốn. Trong nước, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn tham gia siêu dự án.


Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên