Tiền gửi tại VPBank tăng đột biến 28% trong 6 tháng đầu năm
Vai trò đầu kéo của khối khách hàng cá nhân và SME tiếp tục được phát huy trong hoạt động huy động và cho vay của VPBank trong quý 2 vừa qua.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với nhiều con số đáng chú ý.
Tín dụng và huy động vốn cùng tăng mạnh
Đầu tiên là về tiền gửi khách hàng. Kết thúc quý 2, huy động từ tiền gửi khách hàng hợp nhất tăng 28% so với cuối năm 2022, đạt gần 388 nghìn tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng nằm trong top đầu thị trường khi so sánh với mức tăng trưởng huy động 3,3% của toàn hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm.
Đáng chú ý, tại ngân hàng mẹ, huy động của khối khách hàng cá nhân (KHCN) có mức tăng ấn tượng 45% nhờ chiến lược thu hút khách hàng phủ rộng, với loạt sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn phong phú. Cùng với đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng trong quý 2 ghi nhận mức tăng 23% so với quý trước đó, riêng khối KHCN đạt mức tăng 39% so với quý 1. Tín hiệu tích cực từ xu thế tăng trưởng CASA của VPBank – đặt trong bối cảnh CASA tăng trưởng chậm trong các quý trước, phần nào phản ánh nỗ lực của ngân hàng trong các chiến dịch marketing định kỳ, phủ mã QR, kết hợp với việc đa dạng hóa tính năng thanh toán, kích hoạt tài khoản trên ngân hàng số VPBank NEO.
Tín dụng hợp nhất của ngân hàng trong khi đó tăng hơn 10% so với đầu năm 2023. Riêng ngân hàng mẹ đạt mức tăng hơn 13%, cao gấp gần 3 lần so với mức 4,7% của toàn ngành, nhờ đóng góp từ hai khối chiến lược với tỷ trọng chiếm hơn 60% trong tổng dư nợ của ngân hàng mẹ. Trong đó dư nợ tín dụng của phân khúc KHCN đạt hơn 220 nghìn tỷ, tăng hơn 13% từ đầu năm – dẫn dắt bởi các sản phẩm cho vay kinh doanh và dòng thẻ tín dụng thông qua kích cầu từ các chương trình khuyến mại và hợp tác tăng cường với các đối tác và nhãn hàng lớn.
Tới cuối tháng 6/2023, lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt gần 8.000 tỷ đồng. Các công ty con trong hệ sinh thái ghi nhận kết quả tích cực trong quý 2, đóng góp vào lợi nhuận chung của ngân hàng. Mảng tài chính tiêu dùng FE Credit, tuy vẫn chưa sinh lời do các khó khăn của thị trường chung nhưng bước đầu ghi nhận tình hình kinh doanh cải thiện với mức lỗ đã giảm dần so với đầu năm.
Đẩy mạnh số hóa, lượng khách hàng tăng mạnh
Trong nhiều quý trở lại đây, VPBank ghi nhận nguồn thu gia tăng từ các hoạt động phi tín dụng nhờ lực đẩy của hoạt động thanh toán, đồng thời là kết quả của quá trình đầu tư đẩy mạnh số hóa, công nghệ và gia tăng trải nghiệm khách hàng của ngân hàng trong những năm gần đây.
Kết thúc nửa đầu năm, doanh thu từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng hợp nhất tăng gần 23% so với cùng kỳ, riêng ngân hàng mẹ ghi nhận nguồn thu này tăng tới 35% so với cùng kỳ nhờ hoạt động dịch vụ thanh toán. Mạng lưới thanh toán thông qua POS và các cổng thanh toán thương mại điện tử như Ecompay, Simplify, Cybersource… là một trong số những dịch vụ được VPBank đầu tư và giới thiệu ra thị trường thời gian qua, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và thu hút người dùng mới.
Tính tới cuối quý 2, số lượng người dùng của nền tảng ngân hàng số VPBank NEO cán mốc 7 triệu khách hàng, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2023, riêng khối KHCN tăng thêm gần 2 triệu khách hàng, nâng tổng số khách hàng của khối lên gần 10 triệu người. Cùng với đó, tập khách hàng CAKE cũng đã thu hút thêm hơn 700 nghìn người dùng, góp phần mở rộng quy mô tệp khách hàng của hệ sinh thái VPBank lên 28 triệu người. Tệp khách hàng đồ sộ này chính là thành quả từ chiến lược phủ phân khúc toàn diện, triển khai mãnh mẽ các giải pháp tài chính bao trùm và cá nhân hóa của ngân hàng, nhằm đáp ứng tới từng chân dung khách hàng và gia tăng số lượng người dùng trên các nền tảng số.
Sẽ chia cổ tức tiền mặt 10% trong năm nay
Về triển vọng kinh doanh 6 tháng cuối năm, theo đại diện VPBank, bên cạnh lực đẩy từ chính sách điều hành, yếu tố hậu thuẫn VPBank trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm chính là sức mạnh nội tại của ngân hàng, bao gồm nền tảng vốn vững chắc, thanh khoản dồi dào và hạn mức tín dụng cấp mới.
Theo đó, sau khi hoàn thành thương vụ bán vốn cho đối tác chiến lược SMBC – dự kiến ngay trong quý 3, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ vươn lên dẫn đầu thị trường. Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng, theo đánh giá của Moody’s, sẽ tăng lên mức gần 19%, cao nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế này đánh giá. Tiềm lực vốn mạnh cùng năng lực quản trị vững vàng cũng là những điểm cộng giúp VPBank được tin tưởng giao hạn mức tín dụng ở mức cao so với trung bình ngành, qua đó đảm bảo tăng trưởng cao theo mục tiêu đặt ra của ngân hàng từ đầu năm.
Dự kiến cũng trong quý 3, ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông lần đầu tiên trong 10 năm qua, với tỷ lệ 10% từ nguồn lợi nhuận năm 2022. Trong 5 năm tiếp theo, ban lãnh đạo ngân hàng dự định dành tới 30% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Nhịp sống thị trường
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- Các ngân hàng có hơn 91 nghìn tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn
- Những ngân hàng nào có tiền gửi ngoại tệ nhiều nhất?
- Vì sao lãi suất giảm nhưng tiền vẫn ồ ạt đổ vào hệ thống ngân hàng?
- Ngân hàng nào dẫn đầu về hiệu suất sinh lời trên vốn chủ?
- Toàn cảnh ngành ngân hàng quý II: NIM mỏng hơn, nợ xấu tăng mạnh tại nhóm tư nhân