MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiêu thụ xăng dầu Việt Nam được dự báo tăng trưởng gấp 3,6 lần thế giới

Các hãng phân tích thế giới đưa ra ước tính tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm từ 4,7-4,9% trong thời gian tới, cao hơn nhiều so với thế giới.

Hãng nghiên cứu Business Monitor International (BMI) từng đưa ra ước tính tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 4,7% trong 5 năm tới, cao hơn nhiều so với thế giới, theo dự báo là 1,3%. Nếu theo mức tính này, mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ gấp 3,6 lần so với thế giới.

Một hãng chuyên về phân tích năng lượng Wood Mackenzie cũng dự báo tiêu thụ xăng dầu năm 2020 tại Việt Nam sẽ đạt 22,4 triệu tấn và năm 2025 sẽ đạt 29,9 triệu tấn. Tính ra mức tăng trưởng kép hàng năm trong 10 năm tới sẽ đạt 4,9%. Có 3 cơ sở chính khiến các tổ chức này đưa ra dự đoán này.

Tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu song song với tăng trưởng GDP

Công ty chứng khoán Bản Việt nhận định trong 15 năm qua, mức tiêu thụ xăng dầu nhìn chung tăng song song với GDP. Từ 2002-2010, tiêu thụ xăng dầu trung bình tăng 9% nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh và trước đó ở mức thấp. Sau đó, tiêu thụ xăng dầu giảm năm 2011 và 2012 chủ yếu do kinh tế gặp khó khăn. Trong 4 năm qua, tiêu thụ xăng dầu đã phục hồi theo đà phục hồi của nền kinh tế.


Nguồn: VCSC

Nguồn: VCSC

Cụ thể, VCSC nhận thấy tiêu thụ xăng dầu thường tăng chậm khi tăng trưởng GDP dưới 6%, nhưng tăng nhanh chóng khi tăng trưởng GDP trên 7%.

Trong bất cứ nền kinh tế quốc dân nào, khi sản xuất công nghiệp sôi động khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy tăng cao kéo theo nhu cầu dầu nhiên liệu và dầu diesel phục vụ máy móc và sản xuất.

Theo ước tính, trong giai đoạn 2016-2020, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ tại Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 9,5% trong khi đường hàng không và đường thủy nội địa sẽ tăng lần lượt 8,3% và 7,8%.

Việc Chính phủ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường bộ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiêu thụ xăng dầu. Bộ Giao thông Vận tải dự kiến đến năm 2015 sẽ có 2.100km đường cao tốc, so với 750km như hiện nay. Giao thông vận tải đường bộ là trụ cột kích thích tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu, với mức tăng trưởng kép hàng năm 15 năm qua đạt 7,3%.

Tiêu thụ xăng dầu Việt Nam còn ở mức thấp

Một điều khá thú vị là Wood Mackenzie’s và Bộ Công Thương đều cung cấp số liệu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam nhưng ước tính của Wood Mackenzie’s cao hơn 12%-15% so với của Bộ Công Thương. Nguyên nhân của sự chênh lệch này được cho là là tình trạng kinh doanh trái phép xăng dầu chất lượng thấp, không đúng tiêu chuẩn. Điều này xuất phát từ bối cảnh Việt Nam do đường bờ biển dài, cũng như xăng dầu nhập khẩu phải chịu nhiều loại thuế và phí khác nhau.

Theo số liệu Globalpetrolprices tháng 8/2016 cho biết mức tiêu thụ xăng dầu trên đầu người tại Việt Nam là 0,21 lít/ngày, chỉ bằng 67% mức tiêu thụ của các nước láng giềng như Thái Lan và Indonesia, và chưa đến 20% mức tiêu thụ của Malaysia. Vì vậy, tiêu thụ xăng dầu còn tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Hiện giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn bình quân 11% so với mức trung bình các nước ASEAN.

Thuế suất giảm, thu nhập tăng sẽ giúp tăng tỷ lệ sở hữu ô-tô

Theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu đối với ô-tô từ các nước ASEAN giảm từ 50% năm 2015 xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018.

Phần lớn phương tiện giao thông hiện nay tại Việt Nam là xe máy. Hiện cả nước có 45 triệu xe máy, trong khi lượng xe du lịch chỉ đạt 2,5 triệu chiếc.


Nguồn: VCSC.

Nguồn: VCSC.

Đây là nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ xăng dầu trong 10 năm qua tăng trưởng chậm, chỉ đạt 4,9%-5,8%. Tuy nhiên, sản lượng xe máy bán ra giảm trong thời gian qua trong khi sản lượng xe du lịch và xe thương mại tăng mạnh cho thấy tiêu thụ xăng dầu cũng sẽ tăng mạnh trong các năm tới.

Theo tính toán của tổ chức Organization Internationale des Constructeurs d’Automobiles, tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam cũng thấp nhất trong khu vực. Hiện cứ 1.000 người chỉ có 22 sở hữu ô tô trong khi con số này tại Phillippines là 35, Indonesia là 83, Thái Lan là 232 và Malaysia là 405.

Ngoài ra xu hướng chuyển từ xe số sang xe tay ga sẽ kích thích tiêu thụ nhiên liệu. Trong dài hạn, việc chuyển từ xe máy sang ô-tô sẽ kích thích tiêu thụ mạnh hơn vì xe 4 chỗ tiêu thụ 6-8 lít/100km, gấp 3-4 lần so với xe máy.

Theo Thảo Nguyên

trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên