“Tín dụng đen” trực tuyến với những chiêu trò mới
Trong khi “tín dụng đen” theo hình thức cho vay trực tiếp đang càn quét nhiều vùng quê chưa được kiểm soát hiệu quả thì thời gian gần đây, với sự phát triển của công nghệ đã nở rộ loại hình tín dụng đen mới - cho vay trực tuyến, qua mạng internet.
- 16-10-2020Dư địa chính sách tiền tệ hẹp dần
- 15-10-2020Chính phủ đồng ý xây dựng Nghị định sửa đổi về tín dụng đầu tư Nhà nước
- 13-10-2020Tăng trưởng tín dụng sẽ ra sao trong quý IV/2020?
Thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng đã khiến cho con nợ "sập bẫy tín dụng đen" với lãi suất lên tới cả nghìn phần trăm một năm và gây ra nhiều hệ lụy to lớn... Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã lên tiếng cảnh báo người dân về những thủ đoạn cho vay lãi trên mạng nhằm ngăn chặn những chiêu trò mới của tội phạm.
Nhiều người dính "bẫy"
Hoạt động cho vay trực tuyến khi các đối tượng trong đó có cả người nước ngoài sử dụng các website, ứng dụng điện thoại di động (App) để tiếp cận, quảng cáo cho vay tài chính đến người dân với thủ tục đơn giản, người vay tiền cần cung cấp ảnh, CMND/CCCD hoặc giấy phép lái xe và sổ hộ khẩu với số tài khoản ngân hàng.
Số tiền vay có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của người vay. Các đối tượng quy định biến tướng về lãi suất bằng cách thu các khoản phí dịch vụ, nếu cộng cả tiền lãi suất và phí có thể lên đến 1.400%/năm.
Có thể thấy chưa bao giờ việc vay tiền lại dễ như hiện nay. Chỉ cần gọi vào số điện thoại từ các trang quảng cáo hoặc tờ rơi của các "doanh nghiệp tài chính", rất nhanh, bạn sẽ được các "tư vấn viên" chào đón bằng những hứa hẹn hấp dẫn và hướng dẫn rất nhiệt tình các thủ tục để vay tiền.
Và khi bạn đã hoàn tất các thủ tục đó, chỉ gồm những việc đơn giản như: Đưa ra giấy tờ nhà đất, chứng minh thư, sổ hộ khẩu, đăng ký xe máy, bằng lái xe, thậm chí chỉ cần thẻ sinh viên, thẻ học sinh, hay đến cả… thẻ thư viện, bên cho vay tiền cũng chấp nhận.
Không những vậy, quá trình hoàn tất các thủ tục cho vay cũng hết sức chóng vánh. Chỉ cần khoảng 30 phút là người vay có thể đã được nhận tiền. Còn lãi suất vay? Thoạt nghe qua cũng thấy dễ chấp nhận, bởi lãi suất bao giờ cũng thấp hơn 20%, nghĩa là dưới mức cho phép của Luật Tín dụng.
Thậm chí có nhiều "doanh nghiệp" quả quyết rằng, việc làm của họ chỉ xuất phát từ ý tưởng muốn giúp đỡ mọi người, đặc biệt là giúp đỡ những học sinh, sinh viên trong học tập hoặc muốn khởi nghiệp. Do đó lãi suất chỉ vào khoảng vài phần trăm, thậm chí không lãi suất…
Tuy nhiên, khi mọi việc ký tá đã xong xuôi, đến lúc giao nhận tiền thì mới xuất hiện hàng loạt những chi phí "phát sinh" được đưa ra khiến mức "lãi suất thấp" kể cả mức "không lãi suất" kia cao vọt lên ngất ngưởng khiến người vay khiếp vía, nhưng tất cả trở thành "sự đã rồi"…
Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp người vay tiền sa bẫy "tín dụng đen", rồi lãi cũ đẻ lãi mới, có khi đã trả gấp mấy lần số tiền đã vay mà vẫn không hết nợ. Bị các nhóm xã hội đen truy bức, đe dọa, khủng bố... Trường hợp của người nhà anh CH ở quận 3, TP HCM là một ví dụ điển hình.
Cách đây không lâu, anh C.H nhận được cuộc điện thoại của một công ty tài chính chuyển lời đòi nợ đến một người thân của anh. Hỏi ra mới biết, hóa ra người thân của anh C.H trong lúc gặp khó khăn tài chính và ngại "mở lời" với người nhà nên đã vào mạng xã hội, click chuột vào trang web cho vay tiền để vay 7 triệu đồng trong thời gian 7 ngày. Tuy nhiên, số tiền người này thực nhận chỉ có 4,3 triệu đồng, còn lại là trả phí dịch vụ và lãi vay.
Qua 7 ngày, người vay chưa trả được số tiền trên thì lập tức bị phạt tiền 400.000/ngày và chỉ trong một tuần, số tiền nợ đã lên đến hơn 10 triệu đồng. Để tất toán khoản vay và lãi này, người này tiếp tục vay 20 triệu đồng ở những app cho vay khác, nhưng thực tế cũng bị áp dụng phí, lãi vay như trên. Dù vay 20 triệu, nhưng chỉ nhận được hơn 10 triệu đồng.
Khi khoản nợ ngày càng lớn, khi không trả đúng hạn, các đối tượng này liên tục điện thoại, nhắn tin cho cả gia đình, người thân và bạn bè của người vay tiền nhằm gây áp lực trả nợ... "Họ toàn canh vào giờ giữa trưa hoặc buổi tối để gọi điện khiến người nhà rất căng thẳng và khó chịu" - anh C.H chia sẻ.
Vay trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhiều app cho vay bất hợp pháp
Trước thực trạng "tín dụng đen" trên mạng nở rộ, thời gian qua các cơ quan chức năng đã tổ chức triển khai nhiều đợt truy quét, khởi tố, xử lý nghiêm minh nhiều băng nhóm "tín dụng đen".
Cụ thể, ngày 17/9/2019, Công an TP HCM đã triệt phá đường dây cho vay nặng lãi do người nước ngoài cầm đầu gồm 6 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam, các đối tượng lập 2 công ty đang hoạt động cho vay tín chấp do một người Việt Nam và một người Trung Quốc cầm đầu, cùng 30 nhân viên làm việc. Sau khi tạo ứng dụng do người Trung Quốc lập, các nhân viên thông qua mạng xã hội quảng cáo về hình thức cho vay tiền qua ứng dụng này trên điện thoại di động.
Khách có nhu cầu vay phải cung cấp thông tin, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại người thân. Công ty sẽ thẩm định, nếu đủ điều kiện sẽ giải ngân và chuyển tiền vào số tài khoản. Số tiền công ty cho vay khoảng 1,2-4 triệu đồng trong 6 ngày (lãi suất mỗi ngày là 4%, tương đương 1.460%/năm).
Mới đây nhất, tháng 4-2020, Công an TP HCM cũng đã triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi qua app với lãi suất 1.095%/năm, với hơn 60.000 nạn nhân đã bị "sập bẫy". Không cần nói thì ai cũng biết, hàng nghìn "con nợ" của các app tín dụng đen hầu hết là những người nghèo, đã phải lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, hết đường "gỡ".
Theo lực lượng chức năng, một trong những đặc điểm chung dễ nhận thấy của hoạt động " tín dụng đen" trực tuyến là vay tiền trực tuyến qua các app cho vay. Các app cho vay trực tuyến này thời gian gần đây "nở rộ" trên mạng, được quảng cáo đầy rẫy trên Internet, các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube… để người có nhu cầu vay tiền tự liên lạc.
Chỉ cần gõ các cụm từ "vay tiền online", "vay tiền nhanh"… trang tìm kiếm Google sẽ cho ra hàng triệu kết quả khác nhau về các app cho vay hiện nay. Các ứng dụng này yêu cầu người vay tiền tạo 1 tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số CMND, hình CMND, số tài khoản ngân hàng…) và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn; trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động.
Nếu người vay thỏa mãn đầy đủ điều kiện vay tiền thì hệ thống tài khoản của công ty sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Cách thức vay nhanh gọn nhưng chi phí làm thủ tục dịch vụ rất cao; đặc biệt lãi suất rất cao khi quá thời hạn tất toán trả nợ gốc lẫn lãi kèm theo là hình thức đòi nợ rất "khủng bố".
Mặc dù phổ biến là vậy, nhưng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, cả nước hiện chỉ có 39 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép hoạt động.
Trong khi đó, qua rà soát của lực lượng Công an các địa phương cho thấy, hiện cả nước có hơn 100 công ty hoạt động P2P Lending, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM, thu hút tiền của các nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân vay tiền nóng, vay tiền nhanh. Điều này cho thấy có nhiều app cho vay đang hoạt động bất hợp pháp trên thị trường hiện nay.
Trước những hiện tượng trên, vừa qua Bộ Công an đã lên tiếng cảnh báo người dân về những thủ đoạn cho vay lãi trên mạng. Theo Bộ Công an, các đối tượng dùng thủ đoạn cho vay qua các ứng dụng trên mạng Internet với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm; tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động.
Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện, nhắn qua mạng gây sức ép, thậm chí đe dọa đến tính mạng, buộc người vay tiền phải trả hết các khoản lãi và gốc, với lãi suất rất cao.
Bộ Công an nhấn mạnh, bên cạnh việc cần báo ngay cho cơ quan chức năng, trước hết, những người có nhu cầu vay tiền cần thận trọng, cân nhắc kỹ khi giao dịch. Nếu thật sự cần thiết thì phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, thể hiện đầy đủ thông tin như: tên công ty, có mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại đầy đủ, cụ thể. Ngoài ra phải xem xét thật kỹ các điều khoản để tránh bị sa bẫy" tín dụng đen.
Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng chống tội phạm, cùng với việc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền để người dân hiểu rõ bản chất của tín dụng đen, hoàn thiệc các văn bản quy phạm pháp luật trong việc xử lý tín dụng đen, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các cấp tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT. Tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý lưu trú.
Siết chặt việc cấp, đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với các cơ sở cầm đồ. Yêu cầu các chủ cơ sở cầm đồ, cơ sở hoạt động kinh doanh có điều kiện về ANTT ký cam kết không tiếp tay hoặc tham gia hoạt động "tín dụng đen". Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào tố giác tội phạm liên quan đến "tín dụng đen.
Tăng cường quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng hoạt động lưu động, đối tượng lưu manh, côn đồ, đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi, biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê trên địa bàn. Tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.
Điều 468 Luật tín dụng quy định về lãi suất như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Như vậy bất kỳ hoạt động cho vay nào mà vượt quá quy định trên thì đều là vi phạm Luật mà bị xử lý theo pháp luật.
Công an nhân dân