Tín hiệu mới cho thị trường BĐS: Số công ty địa ốc đăng ký mới tăng gần gấp đôi với lượng vốn gấp 2,5 lần
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới là trên 81.000. Trong đó, số lượng công ty mới trong lĩnh vực bất động sản đạt con số ấn tượng, vượt trội so với các lĩnh vực khác.
- 24-09-2016Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công”
- 15-09-2016Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Có thể nới room ngoại cho các ngân hàng lên trên 30%
- 12-09-2016Lễ đón trọng thể Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đại Lễ đường Nhân dân Trung Quốc
- 12-09-2016Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc
Hơn 81.000 doanh nghiệp được lập mới
Tổng cục Thống kê cho biết, hết 9 tháng năm 2016, cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp cũng đã tăng thêm 25,4% (đạt 7,7 tỷ đồng).
Báo cáo cũng cho biết, hết quý III, đã có 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với năm ngoái, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại trong thời điểm này lên gần 102 nghìn doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số ngành tăng mạnh cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký như: Kinh doanh bất động sản (tăng 99,1% về số doanh nghiệp và tăng 242,5% về vốn đăng ký); thông tin và truyền thông (tăng 14,5% và tăng 173,9%); sản xuất, phân phối điện, nước, gas (tăng 19,2% và tăng 113,1%); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng (23,1% và tăng 110,7%); hoạt động dịch vụ khác (tăng 40,3% và tăng 112,5%).
Riêng lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng giảm 32,6% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký giảm 23,2%.
Dự cảm lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho hay các doanh nghiệp đang có dự cảm khá tốt về hoạt động kinh doanh mà theo đó “quý sau tốt hơn quý trước”.
Cụ thể, trong quý III, ở ngành công nghiệp chế biến, có 80,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III khá ổn định và tốt hơn quý trước (có 38,8% doanh nghiệp đánh giá tốt lên; 41,5% doanh nghiệp đánh giá ổn định), trong khi 19,7% số doanh nghiệp đánh giá còn gặp khó khăn.
Sang quý IV, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được đánh giá là khả quan hơn quý III, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước.
Điều này thể hiện qua việc có 85,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV sẽ ổn định và tốt lên và chỉ có 14,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Với những kết quả trên, Tổng cục Thống kê nhận định “khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới”.
Quả ngọt từ nỗ lực của Chính phủ?
Chính phủ từ sau khi kiện toàn từ tháng 4 đến nay đã luôn khẳng định sẽ xây dựng một Chính phủ kiến tạo, thiết lập môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Điều này đã được thể hiện trong những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi “không được bàn lùi” trong việc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh cho đến những chỉ đạo quyết liệt về cải cách thể chế, sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh mà Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 là những ví dụ điển hình.
Theo đó, những mục tiêu, những phương thức, nguyên tắc rất cụ thể đã được nêu ra. Như “Các quy định về Điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với Điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát” (Nghị quyết 35).
“Chính phủ đã vắt chân lên cổ để sửa đổi điều kiện đầu tư kinh doanh liên quan đến Luật đầu tư và doanh nghiệp, soạn thảo một luật sửa nhiều luật, Luật DNNVV… Với yêu cầu làm đi làm lại, không đạt yêu cầu thì phải làm lại và tất cả đều không bàn lùi. Tinh thần rất quyết liệt và cách làm khác trước, các cơ quan Chính phủ chung tay với doanh nghiệp để xây dựng. Tôi rất cám ơn khi Chính phủ và VCCI trong quá trình làm, đã rà soát từng điểm một theo đúng kiến nghị và phản biện với doanh nghiệp, nếu thấy hợp lý thì tiếp thu” – ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã thay mặt cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ