Tín hiệu mới nhất về dự án đường sắt tốc độ cao: Thủ tướng tiếp tục nêu đề nghị với một quốc gia
Thủ tướng đề nghị quốc gia này tiếp tục quan tâm, nghiên cứu việc cung cấp ODA thế hệ mới cho lĩnh vực phát triển hạ tầng chiến lược đặc biệt là đường sắt tốc độ cao.
- 15-12-2023Tiết lộ động thái mới 2 tuyến đường sắt tốc độ cao có tiềm năng 'khủng' kết nối Việt Nam-Trung Quốc
- 05-12-2023Đề xuất mới về nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 350 km/h
- 05-12-2023Đề xuất cơ chế 'đặc thù đặc biệt cả gói' làm đường sắt tốc độ cao 350 km/h
Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tập trung ODA đặc biệt cho dự án đường sắt tốc độ cao
Sáng 18/12, tại Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko và các lãnh đạo của JICA.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị JICA - đối tác cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam - phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản.
JICA là cơ quan duy nhất thực hiện viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản. JICA đã phối hợp với phía Việt Nam triển khai hiệu quả thủ tục về khoản vay ODA thế hệ mới 50 tỷ yen và các dự án ODA thời gian qua, đưa kim ngạch ODA giữa hai nước năm 2023 lần đầu tiên vượt 100 tỷ yen kể từ năm 2017.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch JICA Tanaka Akihiko - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm, nghiên cứu việc cung cấp ODA thế hệ mới ưu đãi hơn về lãi suất và thời gian, thủ tục đơn giản, linh hoạt hơn và đặc biệt là tập trung vào các dự án mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái trong 5 lĩnh vực trọng tâm.
Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Phát triển hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, bến cảng, sân bay, đường bộ cao tốc); Các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng mới, chíp bán dẫn; Đào tạo nhân lực, hợp tác lao động ; Y tế và giáo dục; Bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Ba kịch bản mới đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam
Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc Nam, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.
Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.
Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: AP
Các bộ, ngành nói gì về kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam?
Trong ba phương án, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn kịch bản 3 cùng một số cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn tiến độ, huy động vốn đầu tư, đào tạo nhân lực.
Góp ý các phương án, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá kịch bản 1 và 3 "không đáp ứng được yêu cầu" theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ tại cuộc họp tháng 10/2022.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kịch bản 3 còn bất hợp lý là phương án đầu tư có tốc độ thiết kế 350 km/h, nhưng tổng mức đầu tư dự án lại thấp hơn kịch bản 2 có tốc độ thiết kế 250 km/h; chưa có nội dung liên quan phương án vận tải hàng hóa, cơ sở tính toán chỉ số hoàn vốn nội bộ, chỉ số lợi ích - chi phí...
Khác quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng mới đây góp ý đồng thuận kịch bản 3. Song theo Bộ Xây dựng, hiện nay, đề án chưa thể hiện rõ việc nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam bằng khổ đường cụ thể nào.
"Với xu thế hội nhập, đảm bảo yêu cầu liên vận quốc tế trong quá trình vận hành sau này, Bộ GTVT cần nghiên cứu, theo hướng nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam bằng hình thức thay thế toàn bộ khổ đường hiện hữu 1.000mm bằng khổ đường tiêu chuẩn 1.435mm trong quá trình triển khai thực hiện", Bộ Xây dựng nêu ý kiến.
Trước đó, chiều 3/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi đang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong khảo sát, xây dựng, cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trong tháng 10, Việt Nam liên tiếp có những cuộc làm việc song phương với lãnh đạo Nhật Bản với nhiều tín hiệu tích cực liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá gần 60 tỷ USD.
Gần đây, chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio về thúc đẩy hợp tác các dự án hạ tầng giao thông. Tại buổilàm việc, Đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh sẽ hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, đầu tư các dự án giao thông, vận tải, trong đó có đường sắt tốc độ cao.
Trước đó, ngày 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bà Kamikawa Yoko, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đang thăm Việt Nam và đã đưa ra đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Ngày 6/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và đề nghị Nhật Bản nghiên cứu khả năng hỗ trợ Việt Nam phát triển dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Đời sống & pháp luật