MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín hiệu vui cho du lịch Việt Nam

Nếu khách châu Âu trước đây thường đi xuyên Việt thì nay chuyển sang du lịch theo chuyên đề tìm hiểu về văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng.

Khách đến từ tất cả thị trường đã đều tăng mức chi tiêu cho việc du lịch, mua sắm ở Việt Nam.

40% khách quốc tế trở lại

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2018 đạt xấp xỉ 11,7 triệu lượt (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017). Khách du lịch nội địa ước đạt 62,1 triệu lượt (khách lưu trú đạt 30,2 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch đạt 451.200 tỉ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017).

Tín hiệu vui cho du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

Khách quốc tế khám phá Hạ Long từ cửa hang Sửng Sốt


Nếu năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10 triệu thì năm 2017 đã đạt 12,9 triệu (tăng 29% so với năm 2016). Giai đoạn 2015-2017, lượng khách quốc tế tăng 1,63 lần, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 28%/năm.

Không chỉ tăng trưởng nhanh về số lượng, du lịch Việt Nam cũng đang phát triển cả về chất lượng. Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch - cho biết theo 2 cuộc điều tra vào năm 2014 và 2017 của Tổng cục Du lịch, khách đến từ hầu hết thị trường đều gia tăng mức chi tiêu bình quân một ngày. Trong đó, 2 thị trường có nhiều khách quốc tế đến Việt Nam nhất là Hàn Quốc tăng 28,5% (từ 133,4 USD/ngày lên 171,5 USD/ngày) và Trung Quốc tăng 9,6% (từ 118,6 USD/ngày lên 130,1 USD/ngày).

Kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch năm 2017 cũng cho thấy tỉ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ lần thứ 2 trở lên đạt 40,4%.

"Tỉ lệ khách trở lại Việt Nam tăng cho thấy du lịch Việt ngày càng hấp dẫn đối với du khách: điểm đến nhiều hơn, sản phẩm du lịch có những thay đổi, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển. Tỉ trọng khách phân khúc cao cấp sử dụng dịch vụ chất lượng cao cũng tăng cao" - ông Lê Tuấn Anh chia sẻ.

Năm 2011, cả nước có 13.000 cơ sở lưu trú du lịch thì đến năm 2017 đã tăng gần gấp đôi. Số cơ sở dịch vụ lưu trú chất lượng cao tăng mạnh, đặc biệt số buồng khách sạn 4 và 5 sao tăng lần lượt là 14% và 19% mỗi năm.

Gia tăng tổng thu

Ông Lê Tuấn Anh phân tích các điểm đến tại Việt Nam của khách quốc tế cũng ngày càng đa dạng. Nếu khách châu Âu trước đây sang Việt Nam là đi xuyên Việt thì nay họ đi theo kiểu chuyên đề, ví dụ tìm hiểu về văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng. Khách Nhật thích đến những nơi có giá trị văn hóa, bảo đảm tiện nghi tối thiểu cho những chuyến đi dài như TP HCM, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Hạ Long...

Khách Hàn Quốc trước đây thích đến các địa điểm ở miền Bắc thì nay họ đã đến miền Trung, miền Nam. Còn khách Trung Quốc thì có mặt ở tất cả trung tâm du lịch. Nhiều điểm đến phụ cận cũng đang nổi lên như Quảng Bình, Phú Yên, Quy Nhơn.

Những thay đổi chất lượng đã góp phần gia tăng tổng thu từ khách du lịch. Năm 2017, tổng thu từ du khách đạt 541.000 tỉ đồng, tăng 29,7% so với năm 2016. Trong đó, tổng thu từ du khách quốc tế đạt 316.000 tỉ đồng, tăng hơn 31% so với năm 2016 và tăng 60% so với năm 2015. Tỉ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch trong GDP năm 2017 đạt khoảng 7,9% GDP.

"Mục tiêu của Tổng cục Du lịch là đến hết năm 2018, đón 94 triệu lượt khách với khoảng 16 triệu lượt khách quốc tế, 78 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du khách đạt 620.000 tỉ đồng" - ông Tuấn nói.

Điểm trung chuyển lớn trong khu vực

Hiện có 52 hãng hàng không quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam. Nhiều đường bay thẳng từ Việt Nam đến các quốc gia được mở rộng.

Báo cáo "Xu hướng du lịch Mê Kông 2017" cho thấy TP HCM, Hà Nội cùng với Bangkok - Thái Lan và Côn Minh - Trung Quốc đã trở thành điểm trung chuyển lớn trong khu vực, kết nối các điểm đến trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, hệ thống cảng biển dọc đất nước cũng đóng góp một phần trong việc đón khách quốc tế bởi hãng tàu lớn trên thế giới cũng rất có nhu cầu ghé thăm Việt Nam trên hải trình của mình.


Theo Yến Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên