MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp làm đường nối đô thị vệ tinh với trung tâm Thủ đô

Thành phố Hà Nội bắt đầu khởi động một loạt tuyến đường trọng điểm để kết nối các đô thị vùng ven với khu trung tâm, các tuyến đường này sẽ giúp phát triển các đô thị ven nội đô.

Một loạt quyết định quan trọng của UBND Thành phố Hà Nội về việc phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô vừa được ban hành, trong đó đáng chú ý đó là chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm hiện có, cắm mốc giới và chỉ giới đường đỏ để chuẩn bị đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường mới.

Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

Hiện Hà Nội đang xây dựng nhiều dự án trọng điểm, trong đó đáng chú ý là các tuyến đường sắt đô thị (metro), tuyến Cát Linh-Hà Đông phải hoàn thành trong năm 2016, dự án cầu Ngọc Hồi cũng phải hoàn thành trong năm 2016…

Ngoài ra, UBND Thành phố yêu cầu cần đẩy nhanh GPMB dự án tuyến Vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng), phê duyệt Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long) và Dự án đầu tư cải tạo Quốc lộ 6 đoạn Yên Nghĩa - Xuân Mai, quốc lộ 21; Đưa dự án tuyến vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long) vào danh mục các dự án trọng điểm.

Riêng tuyến đường sắt số 3 (đoạn Nhổn –Ga Hà Nội), Thành phố cho biết dự án này còn chậm so với yêu cầu và cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ trong năm 2016, đặc biệt lưu ý đẩy nhanh tiến độ đối với gói thầu số 6 (thiết kế, cung cấp và lập đặt hệ thống đường sắt số 1), gói thầu số 9...

Tuyến vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng: Hoàn thành các khối lượng còn lại đoạn tuyến từ Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Vọng trong tháng 6/2016; hoàn thành đoạn tuyến từ Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Sở trong năm 2016, trong đó công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành trong quý II/2016.

Chuẩn bị làm một loạt tuyến đường nối đô thị vệ tinh với trung tâm

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã phê duyệt một loạt quyết định về việc cắm mốc giới và chỉ giới đường đỏ của nhiều tuyến đường ở vùng ven đô thị, chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng kết nối hạ tầng với các đô thị trung tâm.

Tuyến tỉnh lộ 72 (đoạn từ ngã ba Biển sắt đến đường vành đai 4), theo xác định chỉ giới này sẽ là tuyến đường liên khu vực, kết nối các khu đô thị từ sông Nhuệ đến vành đai 4.

Đường có điếm đầu tuyến tại nút giao với đường 70 hiện có (giáp ngã ba Biển sắt), điếm cuối tuyến tại nút giao với đường vành đai 4. Tuyến có tổng chiều dài khoảng 5,9km .

Tuyến QL 3 cũ qua địa bàn huyện Sóc Sơn sẽ là tuyến đường giao thông đối ngoại của Thành phố có chức năng kết nối khu vực đô thị vệ tinh Sóc Sơn với khu vực trung tâm.

Điểm đầu tuyến tại cầu Phủ Lỗ (bắc qua sông Cà Lồ), điểm cuối tuyến tại cầu Đa Phúc (bắc qua sông Công). Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 16,2km, diện tích nghiên cứu khoảng 245ha.

Riêng với đoạn tuyến đi ngoài khu vực phát triển đô thị sẽ được xác định cấp kỹ thuật là đường cấp II đồng bằng, còn với đoạn tuyến đi trong khu vực phát triển đô thị được xác định là cấp đô thị (loại đường chính đô thị).

Tuyến đường 3,5 có điểm đầu giao với đê sông Hồng hiện có (cầu Thượng Cát), điểm cuối tuyến: giao với Đại lộ Thăng Long. Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 9,54km.

Quy mô tuyến đường: chiều rộng mặt cắt ngang đường B=60m, riêng đoạn từ hết khu đô thị Bắc An Khánh đến Đại lộ Thăng Long mặt cắt ngang đường được mở rộng cục bộ B=70m.

Sau khi phê duyệt, trong vòng 6 tháng các đơn vị được giao nhiệm vụ sẽ hoàn thành việc lập quy hoạch, việc cắm mốc giới dự kiến sẽ mất khoảng 30 ngày.

UBND TP Hà Nội giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ, tổ chức lựa chọn đơn vị có tư cách pháp nhân theo quy định để lập hồ sơ thiết kế cắm mốc giới của các tuyến đường này theo đúng nhiệm vụ được UBND TP phê duyệt. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, sở ngành, cơ quan liên quan thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố về quy hoạch xây dựng.

Bình An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên