MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sợ mất quỹ bảo trì 160 tỉ, cư dân Keangnam tiếp tục kiến nghị Thủ tướng

Ban Quản trị tòa nhà Keangnam (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa đại diện cho cư dân của tòa nhà này gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ vì lo ngại nguy cơ mất 2% quỹ bảo trì tòa nhà.

Trước đó, ngày 8/5/2015 Ban quản trị cư dân Keangnam cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng về khoản phí bảo trì này..

Đơn kiến nghị lần này nêu rõ, ngày 29/5/2015 UBND quận Từ Liêm đã có văn bản số 652/UBND -QLĐT yêu cầu công ty TNHH MTV Keangnam Vina bàn giao kinh phí bảo trì 2% của tòa nhà theo đúng quy định trước ngày 10/6/2015, đồng thời giao công an Quận Nam Từ Liêm thực hiện điều tra, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm về pháp luật của chủ đầu tư trong chiếm dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư Keangnam (nếu có).

Sau đó đến ngày 11/6/2015, chủ đầu tư Keangnam Vina đã gửi Ban quản trị cam kết sẽ trả số tiền bảo trì theo tiến độ mỗi tháng 20 tỷ đồng bắt đầu từ tháng 7/2015, và đồng ý thực hiện kiểm toán để xác minh tổng số tiền quỹ bảo trì. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chuyển trả theo kế hoạch này.

Cho đến nay, ngoài 2 tỷ đồng duy nhất được chủ đầu tư chuyển giao theo văn bản cam kết vào đồng tài khoản giữa Ban quản trị và đại diện Công ty Keangnam vào ngày 12/6/2015, Ban quản trị chung cư Keangnam cho biết không nhận được thêm khoản tiền nào của quỹ bảo trì. Cơ quan Công an quận Nam Từ Liên và Cục cảnh sát kinh tế Bộ Công An đã đến cơ sở để điều tra thu thập tài liệu và đã trực tiếp làm việc nhiều lần với chủ đầu tư Keangnam Vina nhưng vẫn chưa có kết quả.

Đơn kiến nghị của cư dân Keangnam cho biết, ngày 28/8/2015 đại diện BQT đã đến làm việc với Công ty Keangnam Vina yêu cầu thanh toán quỹ bảo trì 2% nhưng được Keangnam Vina trả lời:

Thứ nhất, hiện nay công ty mẹ Keangnam Vina Hàn Quốc đã bị tòa án Hàn Quốc phong tỏa tài sản để quản lý điều hành.

Thứ hai, số tiền bảo trì được thu từ trước năm 2011 không được đưa vào tài khoản tiền gửi ngân hàng mà để lẫn vào tài khoản chung của công ty, đã đưa vào hoạt động kinh doanh không tách ra quản lý như quy định.

Thứ ba, việc cam kết trả quỹ bảo trì với tiến độ 20 tỷ mỗi tháng tại băn bản số HNVN/2015-138 ngày 11/6/2015 là do Keangnam Vina tự ý đưa ra nên không có giá trị vì chưa được cấp trên phê duyệt.

Thứ tư, Keangnam Vina xin 20 ngày kể từ ngày 28/8/2015 để xin cấp trên phê duyệt kế hoạch trả quỹ bảo trì cho BQT (thời hạn là ngày 18/9/2015) nhưng vẫn không có phản hồi chính thức.

Thứ năm, Chủ tịch Keangnam Vina khẳng định, hiện hoạt động của Công ty tại Việt Nam vẫn tốt và có đủ điều kiện để trả quỹ bảo trì nhưng ông nhắc lại trước đó Keangnam Vina đã có công văn số 134 ngày 8/6/2015 gửi UBND quận Nam Từ Liêm. Nội dung công văn Keangnam Vina cho rằng giữa quyết định số 08/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng và quyết định số 01/2013/QĐ-UBND không thống nhất về việc chuyển quỹ bảo trì. Công ty Keangnam Vina không biết bàn giao quỹ bão trì cho Ban Quản trị hay cho Doanh nghiệp bảo trì được Ban quản trị lựa chọn để quản lý nhà chung cư.

Ngay sau khi có nội dung làm việc này, Ban quản trị đã viết công văn số 124-2015/BQT ngày 21/9/2015 gửi UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm và sở xây dựng thành phố Hà Nội. Đã hơn 20 ngày kể từ khi có văn bản báo cáo, Ban quản trị vẫn chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng.

Trước tình trạng trên, cư dân Keangnam cho rằng Công ty Keangnam Vina đã không tuân thủ pháp luật, cố tình kéo dài thời gian chiếm dụng vốn, lãi suất ngân hàng của quỹ bảo trì từ năm 2011 đến nay. Do vậy, Ban quản trị cư dân Keangnam kiến nghị Thủ tướng chỉnh phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc buộc chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện việc trả lại quỹ bảo trì 2% cho ban quản

Ban quản trị cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo gấp một số nội dung sau: Giao cho UBND thành phố Hà Nội, các Bộ, Ngành liên quan yêu cầu chủ đầu tư Keangnam Vina khẩn trương hoàn trả quỹ bảo trì 2% theo đúng quy định của pháp luật. Cho phép Keangnam Vina chuyển đổi các tài sản hiện có (nhà xe, căn hộ chưa bán, diện tích thương mại) thông qua cơ quan định giá của Bộ Xây dựng làm việc với Ban quản trị để khấu trừ chi phí nợ bảo trì 2% trong trường hợp Keangnam Vina không có khả năng chi trả bằng tiền như chủ đầu tư đã đề nghị.

Bên cạnh đó, ban quản trị cư dân Keangnam cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ chấp thuận cho Keangnam Vina được phép chuyển nhượng tài sản sau khi đã hoàn trả đầy đủ quỹ bảo trì này cho cư dân Keangnam. Giao cho Bộ Xây dựng tính toán chính xác quỹ bảo trì 2% để làm cơ sở buộc Keangnam Vina hoàn trả lại cho cư dân.

Được biết, Tổ hợp dự án Keangnam Ha Noi Landmark Tower gồm 2 tòa nhà, một cao 48 tầng và một tòa cao 72 tầng cũng khối đế, bao gồm đa chức năng: chung cư, văn phòng, căn hộ dịch vụ, khách sạn, trung tâm thương mại. Hiện phần căn hộ chung cư đã bán hết và khách hàng cũng đã đóng 2% phí bảo trì khi mua căn hộ cho chủ đầu tư. Theo đại diện cư dân tổng số tiền 2% quỹ bảo trì cư dân đã đóng lên đến 160 tỉ đồng, chưa kể lãi suất ngân hàng.

Thanh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên