MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 'tài sản vô giá' được thế giới công nhận sẽ lên TP trực thuộc Trung ương

Di sản được UNESCO công nhận đã đem lại giá trị cả vật chất và tinh thần, góp phần gắn kết xã hội và tạo sinh kế bền vững cho mọi người dân của tỉnh Ninh Bình.

Ngày 28/5, tại tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.

Phát biểu tại buổi hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Cố đô Hoa Lư, rừng Cúc Phương, Tràng An, Tam Cốc - Bích Động… là những tài sản vô giá. Tỉnh Ninh Bình cần mạnh dạn đổi mới, "giải phóng chính mình", giải phóng tư duy, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, tổ chức đấu thầu quản lý, khai thác các di sản để đẩy mạnh hợp tác công tư, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân, của doanh nghiệp.

Tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 'tài sản vô giá' được thế giới công nhận sẽ lên TP trực thuộc Trung ương- Ảnh 1.

Bến thuyền khu du lịch sinh thái Tràng An - Ảnh: Đại đoàn kết

"Đất, rừng, di sản, tài sản vẫn còn nguyên, vẫn là của Nhà nước, của nhân dân nhưng được bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả nhất", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng cũng gợi ý, tỉnh Ninh Bình có thể ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên cho loại hình nghệ thuật hát Xẩm và Đại học Hoa Lư có thể mở ngành đào tạo về nghệ thuật này.

Phát triển 4 nhóm sản phẩm du lịch chính

Dịch vụ của tỉnh Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, với du lịch trở thành điểm sáng, nhiều năm liền giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu và 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước, đang dần trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế.

Về không gian phát triển, tỉnh Ninh Bình xác định 3 vùng chức năng, với vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển là thành phố Hoa Lư (trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư hiện nay) và thành phố Tam Điệp.

Về hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để khẩn trương hoàn thành tuyến đường cao tốc ven biển Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình, con đường kết nối di sản… Ninh Bình cũng là 1 trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô lớn, hiện đại của đất nước, 1 trung tâm chế biến rau quả hàng đầu Việt Nam.

ai ninh binh

Ninh Bình có định hướng phát triển nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các khu nghỉ dưỡng cao cấp - Ảnh minh họa tạo bởi AI Chat GPT

Thủ tướng khẳng định Ninh Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế, là tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh, là điểm giao cắt giữa 3 vùng (Vùng Đồng bằng sông Hồng - Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ).

Riêng về quy hoạch du lịch, Ninh Bình phát triển 4 nhóm sản phẩm chính trong đó nhóm sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử là nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình. Ngoài ra là nhóm sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các hệ sinh thái biển, rừng, các nguồn khoáng nóng và nhóm sản phẩm du lịch sáng tạo theo tư duy đột phá, có hàm lượng chất xám cao, tiết kiệm tài nguyên.

Địa phương duy nhất sở hữu di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên

Tỉnh Ninh Bình cũng được Thủ tướng đánh giá là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nhiều giá trị văn hóa - lịch sử - sinh thái tự nhiên độc đáo, đặc sắc riêng. Có Cố đô Hoa Lư với di sản lịch sử - văn hóa đồ sộ, đặc sắc, phong phú, chứa đựng những giá trị độc đáo.

Đây là một trong 8 tỉnh, thành phố có Di sản thế giới và đặc biệt hơn Ninh Bình là địa phương duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sở hữu di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên - Quần thể danh thắng Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương..., nhiều nghề thủ công truyền thống đa dạng.

Tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 'tài sản vô giá' được thế giới công nhận sẽ lên TP trực thuộc Trung ương- Ảnh 3.

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Ảnh: Báo Ninh BÌnh

Trong chuyến thăm chính thức di sản Tràng An hồi tháng 9/2022, Tổng Giám đốc UNESCO - bà Audrey Azoulay nhận định quần thể danh thắng Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên.

Bà Audrey Azoulay cũng đánh giá cao mô hình quản lý di sản mà tỉnh Ninh Bình áp dụng đó là sự phối hợp giữa Nhà nước-Nhà khoa học-Doanh nghiệp-Người dân. Việc này đã phát huy tối đa các giá trị di sản, đồng thời chủ động ngăn ngừa và xử lý kịp thời những hoạt động xâm hại di sản.

Không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên tráng lệ, hệ thống các di tích lịch sử-văn hóa tại Cố đô Hoa Lư gắn liền với các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý như Đền vua Đinh Tiên Hoàng, Hành cung Vũ Lâm, chùa Bái Đính, chùa Bích Động… là những điểm nhấn không thể bỏ qua khi đến với Tràng An, mang đến cho du khách những cảm nhận đặc biệt về vùng đất từng là kinh đô cổ của nước Việt.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, hồi tháng 4 vừa qua, quần thể Danh thắng Tràng An đã được tỏa sáng trên “bảo tàng số” Google Arts & Culture.

Triển lãm trực tuyến trên nền tảng Google Arts & Culture đã đưa đến cho du khách những góc nhìn "đẹp xuất sắc" về Quần thể danh thắng Tràng An, một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của du lịch Việt Nam.

Quần thể danh thắng Tràng An chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào ngày 25/6/2014, dựa trên 3 tiêu chí nổi bật: các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa; các giá trị về thẩm mỹ; các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo.

Đến đây du khách có thể chiêm ngưỡng tận mắt những dãy núi đá vôi kỳ vĩ gắn liền với chiều dài lịch sử hàng triệu năm, các hang động nguyên sơ chứa đựng những chứng tích khảo cổ từ xa xưa.

Tại thời điểm được UNESCO ghi danh, quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp thứ 31 trên thế giới, thứ 11 ở châu Á - Thái Bình Dương và là di sản hỗn hợp đầu tiên khu vực Đông Nam Á.

Sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản thế giới, từ hơn 2,2 triệu lượt du khách năm 2014, Tràng An đã đón hơn 4,6 triệu lượt vào năm 2023, đem lại doanh thu 4.500 tỷ đồng.

Hiện có hơn 10.000 người lao động trực tiếp tại Tràng An và hơn 20.000 người lao động gián tiếp. Di sản đã đem lại giá trị cả vật chất và tinh thần, góp phần gắn kết xã hội và tạo sinh kế bền vững cho mọi người dân trong vùng di sản.

Ninh Bình đã phát triển bứt phá ngoạn mục, trở thành địa phương phát triển toàn diện, là tỉnh đã tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương, có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,27% (năm 2023), cao hơn mặt bằng chung của cả nước.



Theo Trang Anh

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên