MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tinh giản biên chế: Bộ máy không còn "phình ra" nhưng vẫn chưa tương xứng với đầu tư

Tinh giản biên chế: Bộ máy không còn "phình ra" nhưng vẫn chưa tương xứng với đầu tư

Năm 2021, lần đầu tiên cả nước hoàn thành mục tiêu tinh giản 10% biên chế mà Bộ Chính trị đề ra. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn những bất cập trong tinh giản biên chế.

Lần đầu tiên hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10%

Chương trình Tọa đàm: Tinh giản biên chế của Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp khán giả nhìn lại kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và hạn chế là cần thiết nhằm tìm ra những phương hướng đối với tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới vì một bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của cả đất nước.

Tinh giản biên chế là một chủ trương quan trọng được Đảng, Nhà nước quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Mới đây, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành thêm một kết luận nữa về tinh giản biên chế gắn liền với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Với kết luận này, Bộ Chính trị tiếp tục nhấn mạnh quan điểm mục tiêu cũng như chỉ ra rõ hơn một số giải pháp trọng tâm cho công tác tinh giản biên chế cho thời gian sắp tới.

Năm 2021 là năm đầu tiên cả nước hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đã đề ra. Trong đó riêng biên chế công chức giảm 10,01%, từ hơn 275.000 biên chế đã giảm được 27.500, còn hơn 247.000 biên chế.

Biên chế sự nghiệp giảm 11,67% từ 2 triệu biên chế giảm hơn 236.000 còn hơn 1,7 triệu biên chế.

Cán bộ công chức cấp xã cũng đã giảm được 8,94%. Số người hoạt động chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015.

Cả hệ thống chính trị hiện nay đã giảm hơn 762.000 biên chế, tương đương hơn 20% so với năm 2015.

Như vậy, với một công việc khó, phức tạp đặt ra trong nhiều nhiệm kỳ, năm 2021 vừa qua, biên chế của toàn hệ thống chính trị đã được tinh giản, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế vừa qua đã có những quan trọng bước đầu. Điều đó đã giúp cho bộ máy giảm cồng kềnh và giảm gánh nặng cho ngân sách.

Theo Bộ Tài chính, qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017-2021 đã giảm chi ngân sách nhà nước được 25.000 tỷ đồng.

Tinh giản biên chế còn mang tính cơ học, chưa tương xứng đầu tư hạ tầng

Tinh giản biên chế: Bộ máy không còn phình ra nhưng vẫn chưa tương xứng với đầu tư - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cần phải khẳng định: Không thể phủ nhận kết quả rất quan trọng đạt được trong công tác tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức thời gian qua. Lần đầu tiên bộ máy của chúng ta đã không bị "phình ra" sau khi thực hiện tinh giản. Những thay đổi tích cực này có được là nhờ những chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị được đề cập trong Nghị quyết 39 cũng như sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế.

Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể hoàn toàn hài lòng về câu chuyện tinh giản. Bởi nhìn nhận một cách thẳng thắn, những gì chúng ta đạt được vẫn còn khá khiêm tốn khi mà việc thực hiện tinh giản vừa qua ở không ít địa phương, đơn vị vẫn còn mang tính cơ học.

Một số cơ quan đạt mục tiêu tinh giản 10% nhưng biên chế giảm hầu hết là những người đến tuổi hưu và xin về hưu trước tuổi. Việc giảm được những người năng lực hạn chế vẫn là một vấn đề khó thực hiện.

Về vấn đề này, ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ cơ quan. Ban Tổ chức Trung ương - cho biết trong chương trình Tọa đàm: "Tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc thực hiện phải đồng bộ với rất nhiều giải pháp như sắp xếp tổ chức bộ máy, rà soát chức năng nhiệm vụ, xây dựng việc làm để làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ. Chúng ta phải có chế độ chính sách về tiền lương. Để thực hiện đồng bộ cần một tiến trình, cần có thời gian và có độ trễ nhất định. Chúng ta có thể thấy một nguyên tắc trong Nghị quyết 39 diễn đạt một cách đơn giản ‘ra 2 vào 1’, tức là tuyển dụng mới biên chế không quá 50% số công chức đã ra khỏi biên chế. Trong đó có người nghỉ hưu và số đối tượng bị tinh giản do không đáp ứng được yêu cầu, không đáp ứng năng lực. Cho nên khi thực hiện tinh giản biên chế không tránh được chuyện là giảm cơ học".

Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc đầu tư cho hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin đã được đẩy mạnh trong mọi lĩnh vực của xã hội. Điều này cũng được thực hiện một cách rất quyết liệt ở từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tinh giản biên chế: Bộ máy không còn phình ra nhưng vẫn chưa tương xứng với đầu tư - Ảnh 2.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành thuế giúp tinh giản hàng nghìn biên chế

Công nghệ đã một công cụ quan trọng giúp nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, cải thiện năng suất lao động và trở thành tiền đề tạo thuận lợi cho các cơ quan giảm số người làm việc, góp phần vào việc giảm biên chế. Tuy nhiên, theo Kết luận 28 của Bộ Chính trị, kết quả tinh giản biên chế vừa qua vẫn chưa thực sự tương xứng với sự đầu tư này.

Trước ý kiến cho rằng phải làm thế nào để khi đầu tư rồi thì không cần nhiều người như trước nữa mới có ý nghĩa, ông Vũ Hải Nam - Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ - nhấn mạnh: "Ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình quản lý sẽ giúp chúng ta là giảm thiểu số lượng người. Ví dụ như ngành thuế, ngành hải quan khi ứng dụng công nghệ thông tin đã cơ cấu lại. Tuy nhiên để mà đánh giá được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin này vào giảm được bao nhiêu người thì cần phải có thời gian. Công nghệ thông tin sẽ giúp chúng ta thay đổi phương thức giao tiếp, giao nhận, xử lý trên không gian mạng. Thế nhưng quy trình xử lý mới là quan trọng. Nếu chúng ta không hoàn thiện thể chế, không đơn giản hóa thủ tục hành chính thì cũng chưa thể giảm ngay số lượng người được".

Chỉ có tinh gọn bộ máy mới giảm được người

Trong Kết luận 28 của Bộ Chính trị được ban hành mới đây, một số đơn vị địa phương chưa đạt mục tiêu tinh giản biên chế, có nơi giao biên chế không đúng thẩm quyền, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế sự nghiệp công rất lớn.

Kết luận 28 cũng đưa ra những phương hướng giải pháp quan trọng trong thời gian tới nhằm tiếp tục tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức viên chức, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Tinh giản biên chế: Bộ máy không còn phình ra nhưng vẫn chưa tương xứng với đầu tư - Ảnh 3.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị lần thứ hai Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế. Ảnh: TTXVN

Kết luận 28 nhấn mạnh rất rõ vai trò quan trọng của cấp ủy, người đứng đầu khi yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tự giao tăng biên chế và có biện pháp xử lý khắc phục kịp thời. Thực hiện tinh giản biên chế có trọng tâm, trọng điểm, không vào bằng và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Đối với biên chế cán bộ, công chức cơ bản không tăng, chỉ được tăng khi thành lập tổ chức mới hoặc được cấp có thẩm quyền giao thêm nhiệm vụ đối với biên chế nghiệp. Bảo đảm đến năm 2026 giảm tối thiểu 10% số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

Gắn tinh giản biên chế với đổi mới tổ chức bộ máy, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thu hút người có đức, có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị. Chấm dứt việc giao biên chế không đúng thẩm quyền, tự giao biên chế vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tự giao tăng biên chế và có biện pháp xử lý khắc phục kịp thời.

Về giải pháp cấp bách và thiết thực cần phải thực hiện ngay, ông Phạm Thanh Bình nêu rõ: "Thứ nhất, chúng ta phải hoàn thiện việc sắp xếp bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Chúng ta phải ban hành được danh mục, khung năng lực của từng vị trí việc làm của từng cơ quan tổ chức trong hệ thống chính trị. Thứ hai, chúng ta phải rà soát và hoàn thiện quy định về quản lý biên chế để đảm bảo thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống chính trị. Trước mắt, chúng ta phải sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý biên chế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Chúng ta xây dựng quy định, trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý biên chế. Chúng ta phải lấy kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là tiêu chí để đánh giá kết quả hoàn thành công tác của những người đứng đầu cấp ủy chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị. Thứ ba, chúng ta phải xây dựng được quy định về liên thông công chức trong bộ máy nhà nước từ trung ương cho đến cấp xã rồi chế độ công vụ thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Ông Vũ Hải Nam nhấn mạnh thêm: "Chỉ có tinh gọn bộ máy chúng ta mới giảm được người. Tinh gọn ở đây không phải chúng ta bỏ trống, bỏ nhiệm vụ mà giảm cấp trung gian, đơn giản hóa được thủ tục, giảm bớt được quy trình thì chúng ta sẽ giảm được số lượng người. Trong thời gian tới đây, khâu then chốt sẽ tập trung vào khu vực sự nghiệp. Phải có cơ chế chính sách để thúc đẩy, khuyến khích xã hội hóa. Có cơ chế, lộ trình, tính đúng, tính đủ giá, để chúng ta chuyển sang cơ chế đặt hàng, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp có tự chủ trong hoạt động".

Đang có một quyết tâm rất lớn của Đảng ta trong xây dựng một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Vấn đề còn lại là hành động của mỗi cơ quan, đơn vị, của cả hệ thống chính trị và trước hết là của người đứng đầu các cấp.

Với chủ trương đúng cùng sự quyết liệt trong hành động, chúng ta cùng kỳ vọng về những bước chuyển mới trong tinh giản biên chế sắp tới.

Theo Ban Thời sự

VTV News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên