MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh miền Bắc vừa lập kỷ lục chưa từng có về thu hút FDI sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp

Tỉnh này nằm gần các trung tâm đô thị, công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Thái Bình đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1735/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. 

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành nhân tố nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển đồng bộ với phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Cụ thể, tỉnh Thái Bình hướng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 13,4%/năm, trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 18%/năm; dịch vụ tăng 12%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2%/năm. 

Cơ cấu kinh tế đến năm 2030 ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 62,1%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9,1%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 28,8%. GRDP bình quân đầu người tương đương với bình quân chung của cả nước...

Tỉnh miền Bắc vừa lập kỷ lục chưa từng có về thu hút FDI sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp - Ảnh 1.

Biển Đồng Châu. ẢNh: Internet.

Đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao. 

Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng. Giá trị truyền thống và văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất tinh thần của người dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở các cụm liên kết ngành (cluster) và kinh tế tuần hoàn. 

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Xây dựng hệ thống đô thị trở thành các trung tâm động lực và lan tỏa phát triển. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; phát triển cộng đồng doanh nghiệp tỉnh. Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Thực hiện chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ ngành công nghệ thông tin.

Thái Bình lọt top 5 địa phương dẫn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Thái Bình là một miền quê sông nước, được bao bọc bởi ba dòng sông lớn là sông Hồng, sông Luộc và sông Hóa. Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, cùng với ba con sông lớn bao quanh, được thông nguồn với gần 70 km con sông lớn nhỏ, mảnh đất Thái Bình như một hòn đảo nổi và lại một chiếc võng được đan bằng các dòng sông. Với vị trí đó, Thái Bình là một vùng đất phì nhiêu được phù sa hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp.

Tỉnh này nằm gần các trung tâm đô thị, công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là nơi chuyển giao và tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, dự án đầu tư và có lợi thế về tiêu thụ hàng nông sản (đặc biệt là nông sản tươi sống). Với vị trí đặc biệt quan trọng, Thái Bình có nhiều điều kiện để thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Tỉnh miền Bắc vừa lập kỷ lục chưa từng có về thu hút FDI sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp - Ảnh 2.

Khu Công nghiệp Liên Hà Thái là một trong những khu công nghiệp được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý.

Số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đạt gần 98.256,6 tỷ gấp hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thái Bình đã vượt qua những tỉnh mạnh về công nghiệp để tiến vào top 5 cả nước về thu hút vốn FDI. Nếu như năm 2022, tỉnh này chỉ xếp hạng thứ 18 thì đến năm 2023, tỉnh đã vươn lên vị trí thứ 5. Trong năm, tỉnh đã thu hút được 2,79 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2023, Thái Bình lần đầu gia nhập nhóm địa phương tỷ USD về thu hút vốn ngoại sau khi đón 3 dự án đổ bộ KCN Liên Hà Thái. Các dự án có số vốn đầu tư lớn trong năm 2023 của tỉnh gồm: Dự án Công ty TNHH Compal Electronic (Việt Nam) xây dựng nhà máy sản xuất, gia công máy vi tính, thiết bị ngoại vi của máy vi tính với tổng mức đầu tư khoảng 260 triệu USD.

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm bán dẫn Silic tinh thể của Công ty ET Solar Power HongKong Limited với tổng mức đầu tư dự kiến 150 triệu USD; dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đồ uống của Tập đoàn HiteJinro với tổng mức đầu tư dự kiến 100 triệu USD.

Thái Bình có lợi thế về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, với 10 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Thái Bình và 49 cụm công nghiệp đã hình thành trên địa bàn 8 huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng gần 3.000 ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Sức hút lớn nhất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian gần đây chính là Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.580 ha, có vị trí thuận lợi khi cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50km...

Theo Pha Lê

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên