Tỉnh mua ô tô gần nhiều nhất nhưng có chi phí sống thuộc hàng rẻ nhất cả nước
Thuộc khu vực miền Trung, người dân tỉnh này đăng ký mới hơn 2.283 ô tô/tháng, thuộc top đầu các địa phương mua xe nhiều nhất Việt Nam.
- 06-04-2023Tăng tốc vực dậy kinh tế TP HCM (*): Trợ lực cho doanh nghiệp nhỏ
- 06-04-2023Công bố quy hoạch Khánh Hòa, nhà đầu tư kỳ vọng gì?
- 06-04-2023Vì sao Tiền Giang dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công?
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế-xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm).
Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số SCOLI năm 2022. Theo đó, Hà Nội vẫn là địa phương có chỉ số SCOLI năm cao nhất, đồng nghĩa có chi phí sống cao nhất Việt Nam. Chỉ số của Hà Nội là 100%, được lấy làm tham chiếu cho các tỉnh thành khác.
Quảng Trị có chi phí sống thấp nhất trong 63 tỉnh, thành; chỉ số SCOLI năm 2022 của tỉnh này là 86,83%. Đây là tỉnh duy nhất của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có chỉ số SCOLI năm 2022 dưới 90%, các địa phương khác đều trên 90%; Đà Nẵng cao nhất vùng với 95,89%.
So sánh trong khu vực, Nghệ An có chi phí sống cao hơn Quảng Trị nhưng rẻ hơn tất cả tỉnh, thành khác. Thậm chí, chi phí sống tại Nghệ An còn rẻ hơn hai tỉnh “anh em” là Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Cụ thể, chỉ số SCOLI năm 2022 của Nghệ An là 90,3%, trong khi đó Thanh Hóa và Hà Tĩnh lần lượt là 91,5% và 92,13%.
Với số liệu đã công bố, Nghệ An xếp thứ 51 trong danh sách các tỉnh thành “đắt đỏ” nhất Việt Nam hay nói khác đi là Nghệ An thuộc top địa phương có chi phí sống rẻ nhất nước ta. Năm 2020, tỉnh này ở vị trí thứ 50 trong bảng xếp hạng. Năm 2021 ở vị trí 43.
Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Nghệ An năm 2022, Nghệ An vẫn còn hơn 100.000 hộ nghèo, cận nghèo. Đây là một trong 10 tỉnh có nhiều hộ nghèo của cả nước nhưng lại là một trong những địa phương mua nhiều xe con nhất trong hai năm qua.
Tỉnh mua ô tô thuộc top nhiều nhất nước
Theo số liệu từ Cục Thống kê Nghệ An, trong năm 2021 số lượng ô tô cá nhân từ chín chỗ trở xuống do người dân mua và đăng kiểm lần đầu tại Nghệ An là 24.287 xe, xếp vị trí thứ tư của cả nước.
Năm 2022, tỉnh này có 27.404 xe ô tô được đăng ký mới. Trung bình, mỗi tháng ở Nghệ An có 2.283 ô tô đăng ký mới. Đầu năm nay, Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An, cho biết lượng ô tô đăng ký đăng ký mới trong năm 2022 tăng 3.117 xe so với năm 2021. Và chỉ tính riêng trong 20 ngày đầu năm 2023 (từ ngày 1 đến 19/1) số ô tô đăng ký mới là 1.830 xe.
Tính đến tháng 1 năm nay, tổng số phương tiện đang quản lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An là hơn 171.000 ô tô các loại. Với số lượng đăng ký mới trung bình hơn 2.283 ô tô/tháng, Nghệ An là tỉnh nằm trong nhóm tỉnh, thành có người dân đăng ký mua ô tô nhiều nhất, sau Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Quảng Ninh…
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, người dân Nghệ An chủ yếu mua các dòng xe phổ thông dao động 400 - 700 triệu đồng, xe sang và siêu sang không có nhiều.
Nghệ An đặt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh
Theo thông cáo về kinh tế quý 1/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 27.741,3 tỷ đồng, tăng 15,96% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch ước đạt 1,9 triệu lượt, bằng 181%; doanh thu du lịch ước đạt 1.460 tỷ đồng, bằng 307% so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 207.783 tỷ đồng, tăng 4%; tổng dư nợ ước đạt 276.532 tỷ đồng, tăng 1,85% so với đầu năm.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,81% so với cùng kỳ; một số sản phẩm có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2022 như: bia, xi măng, sữa chế biến, điện sản xuất, tôn Hoa Sen các loại…
Thu ngân sách nhà nước tại Nghệ An quý 1/2023 ước thực hiện 4.467 tỷ đồng, đạt 28,2% dự toán. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 7.016 tỷ đồng, đạt 21,2% dự toán. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp: tính đến ngày 20/3/2023, tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 5.435,8 tỷ đồng. Trong quý 1, thành lập mới 437 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký thành lập 2.718 tỷ đồng.
Còn tính đến ngày 20/3/2023, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh Nghệ An quản lý đã giải ngân 282,702 tỷ đồng, đạt 5,06% kế hoạch.
Trong quý 2/2023, tỉnh này “tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn. Hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền về dự án điều chỉnh cảng nước sâu Cửa Lò. Hỗ trợ thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn tỉnh” - thông cáo nêu.
Nhịp sống thị trường