MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình trạng khẩn cấp quốc tế (PHEIC) là gì? Nó sẽ trao quyền và nghĩa vụ gì cho WHO và các quốc gia trên thế giới?

01-02-2020 - 08:58 AM | Tài chính quốc tế

Theo Điều 43 của IHR, các quốc gia thành viên có biện pháp cản trở giao thông quốc tế phải gửi báo cáo giải trình đến cho WHO trong vòng 48 giờ.

Sáng nay, 31/1 theo giờ Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố virus corona mới ở Trung Quốc đã gây ra Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế về Y tế cộng đồng (PHEIC). Tuyên bố được đưa ra sau khi phái đoàn Trung Quốc tại WHO báo cáo rằng virus corona mới đã lây nhiễm cho 7.711 người nước này, 12167 trường hợp nghi nhiễm bệnh và 170 người đã chết. Trong số các ca bệnh, có 124 người đã hồi phục và được xuất viện.

Cùng ngày, số ca nhiễm virus corona mới cập nhật đã lên tới gần 10.000. Số ca tử vong lên tới 213 người. Ủy ban Khẩn cấp do WHO triệu tập đã xem xét tình hình virus lây lan tới 18 quốc gia ngoài Trung Quốc, để tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế về Y tế cộng đồng (PHEIC).

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO cho biết đó là một bước đi cần thiết để bảo vệ các quốc gia khác, đặc biệt là các nước có hệ thống y tế yếu kém khi dịch bệnh lây lan.

"Chúng ta không biết chủng virus này có thể gây ra những thiệt hại như thế nào nếu nó lây lan sang một quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn", ông nói. "Vì tất cả những lý do đó, tôi tuyên bố Tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế cộng đồng đối với đợt bùng phát virus corona mới này".

Nhưng PHEIC thực sự là gì? WHO sẽ được cấp các quyền hạn nào sau khi tuyên bố này được đưa ra? Các quốc gia trên thế giới, bao gồm Trung Quốc cần tuân thủ các Quy định Y tế Toàn cầu (IHR) nào trong giai đoạn PHEIC?

Tình trạng khẩn cấp quốc tế (PHEIC) là gì? Nó sẽ trao quyền và nghĩa vụ gì cho WHO và các quốc gia trên thế giới? - Ảnh 1.

Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế về Y tế cộng đồng (PHEIC) là gì?

WHO định nghĩa PHEIC là tuyên bố chính thức về "một sự kiện bất thường được xác định là gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan ra toàn cầu của bệnh và có thể cần phải có phản ứng quốc tế phối hợp".

Tuyên bố PHEIC này được đưa ra khi một tình huống phát sinh là "nghiêm trọng, đột ngột, bất thường" và "có thể cần những hành động quốc tế ngay lập tức".

Tuyên bố về PHEIC sẽ bao gồm các khuyến nghị cho mọi quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm ngăn chặn hoặc giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh qua biên giới, đồng thời tránh cản trở không cần thiết đối với việc giao thương và đi lại.

Các quy định về PHEIC được xây dựng sau đợt dịch SARS bùng nổ vào năm 2003 và thông qua bởi 194 quốc gia trong Quy định Y tế Quốc tế (IHR) vào năm 2005. Từ đó tới nay, mới chỉ có 5 lần WHO tuyên bố PHEIC cho các đại dịch: cúm lợn H1N1 năm 2009, bại liệt năm 2014, Ebola năm 2014, Zika năm 2015 và một đợt tái bùng phát Ebola năm 2019.

Với tuyên bố PHEIC mới hiện tại, trên thế giới có tổng cộng ba dịch bệnh được coi là Tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế cộng đồng là dịch Ebola tái bùng phát ở Tây Phi, dịch bại liệt tái bùng phát ở Trung Đông và dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra ở 19 quốc gia trên thế giới.

Tình trạng khẩn cấp quốc tế (PHEIC) là gì? Nó sẽ trao quyền và nghĩa vụ gì cho WHO và các quốc gia trên thế giới? - Ảnh 2.

PHEIC sẽ trao quyền và nghĩa vụ gì cho WHO?

Về cơ bản, PHEIC được quy định để có thể cho phép WHO làm cầu nối, huy động mọi phản ứng quốc tế nhằm ngăn chặn một ổ dịch.

Đây là cơ hội cho WHO, dưới sự hướng dẫn của Ủy ban Khẩn cấp, thực hiện các biện pháp "không ràng buộc nhưng thực tế và mang tính chính trị, các biện pháp có thể giải quyết vấn đề đi lại, buôn bán, kiểm dịch, sàng lọc và điều trị. WHO cũng có thể thiết lập các tiêu chuẩn thực hành toàn cầu" dành cho dịch bệnh với PHEIC.

Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh mục tiêu cốt lõi của PHEIC là thúc đẩy các quốc gia hợp tác để ngăn chặn mối đe dọa. Đây không phải là một lệnh trừng phạt nhắm vào Trung Quốc, cũng không phải là một dấu hiệu cho thấy đất nước này không đủ khả năng ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

"Tuyên bố này không phải là vì Trung Quốc không thể làm những gì có thể", tiến sĩ Tedros nói. "PHEIC là để bảo vệ các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn".

WHO được Ủy ban Khẩn cấp khuyến nghị nên tiếp tục tận dụng mạng lưới các chuyên gia kỹ thuật của mình để đánh giá mức độ bùng phát của dịch viêm phổi do virus corona mới gây ra trên toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng nên tăng cường sự hỗ trợ và công tác chuẩn bị ứng phó cho các quốc gia và khu vực dễ bị tổn thương bao gồm cung cấp phương tiện chẩn đoán, thuốc kháng virus, và vắc-xin khi có thể cho các nước thu nhập thấp và trung bình.

Trong một tuyên bố cũng được công bố hôm thứ Năm, Ủy ban Giám sát Chuẩn bị Toàn cầu, một cơ quan độc lập hoạt động để chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng sức khỏe, đã khuyến khích các quốc gia đầu tư vào hệ thống ứng phó với dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng của chính họ, trong khi hỗ trợ thêm kinh phí cho Quỹ Khẩn cấp của WHO.

Các quốc gia không bị buộc phải đóng góp dựa trên tuyên bố PHEIC ngày hôm nay, nhưng tiến sĩ Tedros đã tweet rằng WHO hoan nghênh và kêu gọi các quốc gia tài trợ cho các hoạt động chuẩn bị và ứng phó của WHO.

Tình trạng khẩn cấp quốc tế (PHEIC) là gì? Nó sẽ trao quyền và nghĩa vụ gì cho WHO và các quốc gia trên thế giới? - Ảnh 3.

Về cơ bản, PHEIC cho phép WHO làm cầu nối huy động mọi phản ứng quốc tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Khuyến cáo riêng dành cho Trung Quốc

Ủy ban Khẩn cấp của WHO hoan nghênh những gì Trung Quốc đã làm trong thời gian vừa qua, để giúp kiềm chế dịch bệnh. Sau khi PHEIC được ban hành, họ khuyến cáo Trung Quốc tiếp tục:

• Thực hiện chiến lược truyền thông toàn diện để thường xuyên thông báo cho người dân về sự phát triển của dịch, các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ trước virus, và các biện pháp ứng phó ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

• Tăng cường các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn dịch bệnh hiện tại.

• Đảm bảo khả năng phục hồi của hệ thống y tế và bảo vệ lực lượng lao động y tế.

• Tăng cường giám sát, theo dõi và phát hiện các trường hợp lây lan tích cực trên khắp Trung Quốc.

• Phối hợp với WHO và các đối tác để tiến hành nghiên cứu, nhằm tìm hiểu về dịch tễ học và sự phát triển của ổ dịch này, đồng thời tìm ra các biện pháp ngăn chặn nó.

• Chia sẻ dữ liệu liên quan về các ca nhiễm bệnh trên người.

• Tiếp tục xác định nguồn virus từ động vật, và đặc biệt là báo cáo khả năng lưu hành của nó với WHO ngay khi phát hiện.

• Tiến hành sàng lọc tại các cửa sân bay và cảng quốc tế, với mục đích phát hiện sớm những khách du lịch có triệu chứng bệnh để đánh giá và điều trị thêm, đồng thời giảm thiểu sự ảnh hưởng tới giao thông quốc tế.

Tình trạng khẩn cấp quốc tế (PHEIC) là gì? Nó sẽ trao quyền và nghĩa vụ gì cho WHO và các quốc gia trên thế giới? - Ảnh 4.

Ủy ban Khẩn cấp của WHO hoan nghênh những gì Trung Quốc đã làm trong thời gian vừa qua, để giúp kiềm chế dịch bệnh.

Các quốc gia khác và người dân trên toàn thế giới

WHO dự kiến ​sắp tới sẽ còn nhiều ca nhiễm virus corona mới được xác nhận ngoài Trung Quốc. Các ca bệnh này có thể xuất hiện ở bất cứ quốc gia nào.

Do đó, tất cả các quốc gia trên thế giới đều nên chuẩn bị sẵn sàng để đối phó và ngăn chặn dịch, bao gồm việc thực hiện các biện pháp giám sát tích cực, phát hiện sớm, cách ly và xử lý các ca bệnh, truy tìm và ngăn chặn sự lây lan của virus 2019-nCoV và chia sẻ dữ liệu đầy đủ với WHO.

Các quốc gia được nhắc nhở rằng họ cần phải chia sẻ thông tin với WHO tuân theo Quy định Y tế Quốc tế (IHR) đã ký vào năm 2005.

Bất kỳ phát hiện nào về 2019-nCoV trên động vật (bao gồm thông tin về loài, xét nghiệm chẩn đoán và thông tin dịch tễ học có liên quan) phải được báo cáo với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE).

Các quốc gia đã có dịch cần đặc biệt chú trọng đến việc giảm lây nhiễm ở người, phòng ngừa lây truyền thứ cấp và lây lan quốc tế. Mọi quốc gia đều nên tham gia các mạng lưới truyền thông và hợp tác đa ngành để nâng cao hiểu biết về virus, cũng như hỗ trợ quá trình nghiên cứu ngăn chặn dịch.

WHO khuyến cáo các quốc gia không áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và thương mại, chẳng hạn như đóng cửa biên giới, ngưng cấp thị thực cho công dân các quốc gia trong vùng dịch. Nếu có bất kỳ động thái nào kể trên, các quốc gia phải thông báo cho WHO theo yêu cầu của Quy định Y tế Quốc tế (IHR).

Cũng theo các nguyên tắc thuộc Điều 3 Quy định Y tế Quốc tế (IHR), các quốc gia không được có các động thái kỳ thị hoặc phân biệt đối xử đối với công dân và các chủ thể trong vùng dịch.

Cộng đồng toàn cầu phải thể hiện sự đoàn kết và hợp tác, tuân thủ Điều 44 của IHR, trong việc hỗ trợ lẫn nhau để xác định nguồn gốc của chủng virus corona mới này, khả năng lây truyền từ người sang người và nghiên cứu các biện pháp điều trị cần thiết đối với nó.

Theo Điều 43 của IHR, các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp y tế bổ sung gây cản trở đáng kể đến giao thông quốc tế (từ chối nhập cảnh hoặc xuất cảnh của khách du lịch quốc tế, hành lý, hàng hóa, container) có nghĩa vụ phải gửi báo cáo giải trình đến cho WHO trong vòng 48 giờ. WHO sẽ xem xét báo cáo giải trình và có thể yêu cầu các quốc gia xem lại biện pháp của mình.

Trong khi WHO không có thẩm quyền pháp lý để áp đặt trừng phạt đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ, song tuyên bố PHEIC cũng tạo sức ép đáng kể đối với họ trong việc tuân thủ những khuyến cáo của WHO và Quy định Y tế Quốc tế (IHR) đã ký năm 2005.

Tham khảo WHO, Time

Theo zknight

Trí thức trẻ

Trở lên trên