Toàn cảnh lợi nhuận 28 ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2022
9 tháng đầu năm 2022, tổng lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng đạt 192.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.
- 01-11-2022Nợ xấu Sacombank giảm mạnh
- 30-10-2022Ngân hàng tuần qua: Xuất hiện lãi suất huy động 10,5%, tỷ giá vẫn kịch trần, lợi nhuận nhiều 'ông lớn' tăng mạnh
Top 10 lợi nhuận gồm những ngân hàng nào?
Vietcombank tiếp tục là “quán quân” của ngành với lãi trước thuế đạt 24.940 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần (tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 13.664 tỷ đồng).
9 tháng đầu năm 2022 đã có 7 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng là Vietcombank (24.940 tỷ đồng), Techcombank (20.800 tỷ đồng), VPBank (19.837 tỷ đồng), MB (18.192 tỷ đồng), BIDV (17.677 tỷ đồng), VietinBank (15.764 tỷ đồng) và ACB (13.503 tỷ đồng). “Câu lạc bộ” 10.000 tỷ có thêm ACB khi ngân hàng báo lãi trước thuế tăng 50,6% so với cùng kỳ.
Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, ngoài 7 ngân hàng trên còn có SHB (9.035 tỷ đồng), HDBank (8.016 tỷ đồng) và VIB (7.800 tỷ đồng).
So với Top 10 lợi nhuận cùng kỳ, đây vẫn là những cái tên quen thuộc, tuy nhiên thứ hạng có một số xáo trộn. Chẳng hạn như việc lợi nhuận VPBank tăng mạnh để lên vị trí thứ 3. Trong kỳ này, VPBank có nguồn thu đột biến từ thỏa thuận độc quyền với bảo hiểm AIA. Hay sự thay đổi khác trong bảng xếp hạng là SHB tăng tới 79% - vượt qua HDBank, VIB để đứng ở vị trí thứ 8.
9 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng trên 50%
Trong 28 ngân hàng, chỉ có 1 ngân hàng bị lỗ trong 9 tháng đầu năm là NCB. Nhà băng này lỗ 199 tỷ đồng trong quý 3 và lỗ 180 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Nguyên nhân là NCB đã thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với nợ quá hạn, nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại, bên cạnh đó là áp dụng chính sách hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trong 27 ngân hàng có lãi, có 2 ngân hàng tăng trưởng âm là OCB và Kienlongbank. Cụ thể, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 2.649 tỷ đồng, giảm 29,7%. Lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank ở mức 513 tỷ đồng, giảm 41,6% so với cùng kỳ. Riêng với Kienlongbank, lợi nhuận sụt giảm là do quý 1/2021 phát sinh khoản thu nhập đột biến từ việc bán cổ phiếu STB.
Có 9 ngân hàng đạt tăng trưởng trên 50% là Eximbank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, BIDV, SeABank, VietABank, MB và ACB. Trong đó, Eximbank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh của Eximbank có kết quả khả quan ở nhiều mảng, bao gồm cả tín dụng, dịch vụ,…Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh cũng góp phần tạo nên con số lợi nhuận cao kỷ lục cho nhà băng này.
Điểm chung trong động lực tăng trưởng lợi nhuận ở những ngân hàng lớn như BIDV, MB, ACB là chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái: BIDV giảm 17%, MB giảm 26%, ACB giảm 94%. Cùng với việc các hoạt động kinh doanh cốt lõi có kết quả tích cực, 3 ngân hàng này góp mặt vào nhóm những nhà băng có tăng trưởng cao nhất (trên 50%) trong 9 tháng đầu năm.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: KQKD Ngân hàng quý 3/2022
Xem tất cả >>- VIB và ACB vượt trội top ngân hàng Châu Á & Úc về hiệu quả và tăng trưởng
- 3 ngân hàng nhận gần 306.000 tỷ tiền gửi của Kho bạc
- Vì sao biên lợi nhuận cho vay của ngân hàng vẫn tăng dù liên tục chạy đua lãi suất huy động?
- Ngân hàng nào có thanh khoản tốt nhất hiện nay?
- 9 tháng đầu năm 2022, PVcomBank hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận cả năm