Tội phạm trong ngân hàng: Đưa người thân vào vị trí then chốt để che chắn Pháp luật
Đây là nhận định của Thượng tá Vũ Như Hà, Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (PC46, Công an TPHCM) khi nói về những khó khăn trong đấu tranh phòng chống tội phạm lĩnh vực ngân hàng tại hội thảo về nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý loại tội phạm này tại TPHCM, được tổ chức ngày 25/7.
- 01-12-2014Tội phạm ngân hàng và những phi vụ "làm tiền" vô tiền khoáng hậu
- 09-11-2013Nỗi lo tội phạm ngân hàng
- 22-10-2013Tội phạm ngân hàng 'đậm nét' trong báo cáo tham nhũng
Thủ đoạn tinh vi
Thượng tá Vũ Như Hà, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và Tham nhũng (PC46, Công an TPHCM) cho biết, với những ngân hàng để xảy ra tội phạm, thường có sự thân thiết, đan xen nhau giữa các bộ phận hoặc giữa các cán bộ ở những khâu quan trọng với nhau trong ngân hàng. Ông Hà dẫn chứng:
“Ở nhiều ngân hàng, lãnh đạo bố trí người không đủ trình độ, bố trí người thân gia đình vào các vị trí then chốt như tín dụng, kế toán, kinh doanh,... cùng ăn chia với nhau nên khả năng bảo vệ, che chắn, đối phó với cơ quan bảo vệ pháp luật rất cao”.
Cùng nhìn nhận thực trạng này, bà Nguyễn Quỳnh Lan, Phó Trưởng phòng 3 (VKSND TPHCM) lấy ví dụ như trong vụ án “tham ô tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) – Chi nhánh Bến Thành, Nguyễn Thị Hoàng Oanh (nguyên giám đốc Chi nhánh Bến Thành) đã cùng các đồng phạm là thủ quỹ, cán bộ tín dụng, trưởng phó phòng kinh doanh sử dụng tên người quen, người thân để tạo lập các hồ sơ tín dụng. Sau đó ký duyệt cho vay nhằm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại hơn 300 tỷ đồng.
“Hầu hết các đối tượng phạm tội đều là người giữ chức vụ, quyền hạn cao trong ngân hàng, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng nên thủ đoạn phạm tội rất tinh vi. Các đối tượng phạm tội đã lợi dụng vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các nhân viên dưới quyền phải thực hiện theo yêu cầu”, bà Lan cho biết.
Ngoài ra, đại diện VKSND TPHCM còn nêu thực trạng, có những đối tượng phạm tội không phải là người làm việc trong ngân hàng, lợi dụng các mối quan hệ, quen biết với lãnh đạo, cán bộ ngân hàng, đã móc nối thông đồng để làm hồ sơ giả, hồ sơ khống;không thẩm định tài sản thế chấp hoặc nâng khống giá trị tài sản đảm bảo lên nhiều lần,... gây thiệt hại số tiền rất lớn cho ngân hàng.
Thiệt hại lớn, thu hồi “nhỏ giọt”
Ông Huỳnh Anh Kiệt, Phó Chánh tòa Hình sự (TAND TPHCM) đánh giá, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đã và đang xảy ra với tính chất và quy mô đặc biệt lớn với mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng.
“Nếu như trước đây thiệt hại trong các vụ án chỉ từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng thì hiện nay lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng , cá biệt có những vụ án mà thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng”, ông Kiệt nói.
Dẫn chứng cụ thể trước thực trạng này, bà Nguyễn Quỳnh Lan nêu, trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng, vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thu hồi trong các vụ án ở lĩnh vực ngân hàng thì “nhỏ giọt”.
“Tỷ lệ thu hồi tài sản thiệt hại trong các vụ án tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thấp bởi các vụ án xảy ra trong thời gian dài, đối tượng phạm tội sử dụng tài sản chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân hoặc tẩu tán tài sản,...”, thượng tá Vũ Như Hà nói.
Do đó, theo ông Hà, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động ngân hàng chặt chẽ hơn để tránh tình trạng rút ruột, lợi ích nhóm, lũng đoạn hoạt động của ngân hàng.
“Hầu hết các đối tượng phạm tội đều là người giữ chức vụ, quyền hạn cao trong ngân hàng, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên thủ đoạn phạm tội rất tinh vi”.
Bà Nguyễn Quỳnh Lan (Viện KSND TPHCM)
Tiền phong