Tôi từng là một con người
“Tôi đang ngồi trong một phòng ngồi thiền lớn ở trung tâm Massachusetts thì cho tay vào túi rút chiếc iPhone ra. Một phụ nữ ngay lập tức bước tới tịch thu chiếc điện thoại. Nếu không bị tất cả mọi người nhìn chằm chằm, tôi hẳn đã giật lại nó. Nhưng tôi không làm thế. Tôi biết vì sao tôi phải tới đây”.
Tác giả Andre Sullivan viết trên Nymag.com về việc bị tràn ngập trong tin tức, hình ảnh và những bàn tán trên mạng xã hội đã biến ông thành một kẻ nghiện thông tin và làm ông gục ngã ra sao.
Tất cả như một thứ thuốc lắc
Một năm trước, như nhiều “con nghiện” khác, tôi có thể cảm thấy sự sụp đổ của cá nhân mình tới gần. Trong 15 năm, tôi đã bị ám ảnh bởi Internet, đăng bài trên blog nhiều lần mỗi ngày, bảy ngày một tuần.
Mỗi buổi sáng của tôi bắt đầu với việc chìm đắm trong Internet và tin tức, nhảy từ trang này sang trang khác, từ tin nhắn Twitter này tới tin nhắn Twitter khác, với vô số những hình ảnh và băng video. Rồi cả ngày tôi vẫn như thế. Bộ não tôi chưa bao giờ bị bận trí liên tục bởi quá nhiều chủ đề khác nhau của dư luận một thời gian dài đến thế.
Nói cách khác, tôi là một trong những người sống trong thế giới web từ rất sớm. Và khi năm tháng trôi đi, tôi nhận ra tôi không có một mình. Facebook nhanh chóng tạo cho mỗi người blog và khán giả riêng của họ.
Ngày càng nhiều người có điện thoại thông minh - kết nối họ liên tục với các c
Các kỹ thuật viên ở Thung lũng Silicon giờ có trong tay các thuật toán sẽ dễ dàng phát hiện thói quen của bạn và từ đó tạo ra thứ mồi câu sẽ khiến bạn ngoạm lấy ngay lập tức như một chú cá háu ăn trên mạng xã hội.
âu chuyện xã hội, như tôi đã từng. Twitter thì nổi lên là một hình thức nhắn nhủ ngắn ngủi và liên tục. Chứng nghiện của tôi bắt đầu lan nhanh.
Rồi các ứng dụng xuất hiện như mưa rào, tràn ngập nốt những ngóc ngách còn lại trong thời gian rảnh rỗi của chúng ta. Giờ thì chúng ở khắp nơi, không ngừng nghỉ, và cập nhật liên tục. Tôi còn nhớ khi tôi quyết định sẽ cập nhật blog cá nhân của mình mỗi nửa tiếng vào năm 2007, biên tập viên của tôi đã nhìn tôi như thể tôi là kẻ điên.
Nhưng sự điên rồ đó giờ lại quá bình thường, viễn cảnh từng là không tưởng với một người viết blog chuyên nghiệp không đầy 10 năm trước giờ là nghiễm nhiên với tất cả mọi người.
Nếu Internet giết bạn, tôi sẽ là người đầu tiên phát hiện ra, tôi thường đùa thế trong quá khứ. Nhưng giờ thì đó không còn là một câu nói đùa nữa.
Trong năm vừa qua của cuộc đời chỉ dành cho blog, sức khỏe của tôi trở nên tồi tệ: 4 lần bị viêm phổi trong 12 tháng khiến lần sau lại nặng hơn lần trước. Những kỳ nghỉ phép trở thành cơ hội duy nhất tôi có thể ngủ cho ra ngủ. Giấc mơ của tôi tràn ngập tin tức, bình luận và tranh cãi trong các dòng trạng thái tôi cập nhật liên tục.
Nhưng phần thưởng là rất lớn: một đám đông khán giả 100.000 người mỗi ngày, một mô hình kinh doanh truyền thông mới có lợi nhuận, những kiến thức mới mẻ, phong phú, giúp tôi được khai sáng hay thêm phần tò mò, những cuộc đối thoại ở quy mô toàn cầu, và cả một cách định lượng rõ ràng để đo đếm thành công.
Tất cả như một thứ thuốc lắc tổng hợp khiến tôi luôn tự nhủ rằng mình đang đi trước tất cả, rằng tôi đang tái tạo bản thân liên tục như một cây bút của thời đại Internet. Chỉ có điều, tôi đã không tái tạo bản thân với vai trò một con người.
Trò chơi có tổng bằng 0
Tôi cố đọc sách nhưng không còn kỹ năng đó nữa. Sau vài mươi trang, các ngón tay của tôi ngứa ngáy tìm những bàn phím và thanh cuộn.
Tôi thử ngồi thiền nhưng tâm trí tôi nhảy nhót không ngừng. Tôi cố thiết lập một nhịp sống bình thường và thói quen tập thể dục, đó là sự giải thoát duy nhất tôi có trong khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Trong một thế giới ngày càng ảo, tiếng gọi của mạng xã hội, Internet và hào quang trên mạng ngày càng lớn. Dù trên thực tế tôi ngồi cả ngày trước máy tính và điện thoại di động, tôi lại có cảm tưởng mình đứng giữa một đám đông cực kỳ ồn ào không ngừng chuyển động, ngập trong hình ảnh, âm thanh, ý tưởng, cảm xúc và cả sự giận dữ, như một hầm thông gió đinh tai nhức óc.
Tôi dần nhận ra rằng lối sống mới mẻ này thật ra là một cách để không hề sống gì cả.
Trong vài tháng qua, tôi nhận ra mình đã lao vào một kiểu chối bỏ, như nhiều con nghiện khác. Đã rất lâu rồi tôi coi cuộc đời trên mạng là sự bổ sung cho cuộc đời thật. Nhưng rồi tôi ngày càng dành nhiều thời gian hơn tương tác với những kẻ không có hình dạng, dù cuộc đời thật và cơ thể thật của tôi vẫn ở đây.
Tôi nhận ra, vào lúc sức khỏe và hạnh phúc của tôi suy giảm, rằng tôi đang đánh mất nhiều thứ. Mỗi giờ đồng hồ tôi dành ra trên mạng là một giờ tôi mất trong thế giới thực. Mỗi phút tôi lao vào các tương tác ảo là một phút tôi không tương tác với con người thật.
Mỗi giây mắc vào những tranh cãi vụn vặt trên mạng xã hội là một giây mất đi, dù chỉ là để ngồi yên đó, không làm gì. Không hề có chuyện bạn làm được nhiều việc cùng lúc. Mạng xã hội là trò chơi có tổng bằng 0. Tôi hoặc sống trên mạng, hoặc sống như một con người trong thế giới thực.
Giải độc
Không sai, cuộc đời số hóa và trực tuyến là cực kỳ hiệu quả, với nhiều lợi ích kinh tế hơn hẳn, nhưng nó cũng tước đi của chúng ta rất nhiều thứ, một cái gật đầu mỉm cười cùng người hàng xóm, việc nhận ra một người bạn trên phố, việc bước vào quán cà phê và thấy một cô gái xinh đẹp, và cả ánh nắng hay cành cây tôi đã nhìn thấy nữa.
Vậy là sau 15 năm, tôi quyết định rằng mình phải sống trong thế giới thực. Kể từ khi máy in ra đời, mỗi sự kiện mang tính cách mạng trong công nghệ thông tin đều mang theo nhiều nỗi sợ hãi. Điện thoại, radio, rồi truyền hình, tất cả đều được cảnh báo là sẽ xâm phạm đời sống con người nghiêm trọng. Nhưng chưa bao giờ có tình hình như những năm qua.
Mỗi phút trên hành tinh này, người dùng YouTube đăng lên 400 tiếng đồng hồ video và người dùng Tinder quét các hồ sơ hơn 1 triệu lần. Mỗi ngày, có hàng tỉ lượt “thích” trên Facebook. Không ai có thể thống kê được các trang mạng sản sinh ra nội dung ở tốc độ nào, nhưng chắc chắn là chưa từng có tiền lệ trong quá khứ.
Chúng ta đón nhận những nội dung này không còn qua việc mua một tờ báo hay tạp chí, đánh dấu trang web ưa thích, hay lựa chọn điều chúng ta muốn đọc. Chúng ta giờ bị dẫn dắt vào một mạng nhện rối rắm những thông tin đủ kiểu, với sự tương thích và chính xác hoàn toàn không thể xác định, dù chúng ta có muốn hay không.
Đừng lầm tưởng rằng bạn kiểm soát được những lần nhấn chuột của mình. Cách đây còn chưa lâu, lướt web, dù nghiện ngập tới đâu, vẫn còn là một hành động tĩnh tại, ở bàn làm việc, ở nhà, bạn chìm đắm trong những đường dẫn và rồi trở lại sau đó.
Nhưng chiếc điện thoại di động đã khiến cho những đường dẫn đó giờ nằm trong túi bạn, khiến bạn có thể chìm đắm vào đó bất cứ lúc nào bạn muốn. Thông tin đang thật sự thẩm thấu vào từng giây một trong cuộc sống chúng ta.
Chúng ta hầu như đã quên rằng 10 năm trước còn chưa có điện thoại thông minh, và mãi tới năm 2011, mới 1/3 dân số Mỹ sở hữu thứ thiết bị đó. Còn hiện giờ: 46% người Mỹ trả lời Pew rằng họ không thể sống thiếu điện thoại của mình.
Những không gian từng miễn nhiễm với Internet, trên máy bay, trong tàu điện ngầm, những nơi hoang dã, giờ đang bị tấn công dữ dội và mất dần lãnh địa vào tay WiFi và Internet.
Một nghiên cứu chi tiết trong năm 2015 về người trẻ cho thấy họ sử dụng điện thoại thông minh 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày, 85 lần khác nhau mỗi ngày.
Phần lớn tương tác này là dưới 30 giây. Người dùng không hề ý thức được đầy đủ họ nghiện ngập tới đâu: công nghệ mới đang kiểm soát 1/3 khoảng thời gian hoạt động (không ngủ) của họ.
Hãy thử nhìn quanh bạn xem, khi mọi người cắm mặt vào điện thoại lúc bước đi trên đường, hay lái xe, hay dắt chó đi dạo, hay đang chơi với con. Hãy tự quan sát mình trong khi xếp hàng đợi cà phê, hay nghỉ ngơi một chút ở chỗ làm, hay thậm chí là trong phòng tắm.
Tôi tới trung tâm trị liệu bằng thiền vài tháng sau khi rời bỏ mạng Internet, chấp nhận để lửng sự nghiệp của mình. Nhưng đó là một trải nghiệm giải độc xứng đáng.
Trong suốt 10 ngày, tôi chỉ nghe những bài giảng, những hướng dẫn ngồi thiền, và cách làm cho tâm trí nhẹ nhõm. Những điều trước kia tôi chẳng hề nhận thấy giờ lại khiến tôi cực kỳ chú ý, như ánh nắng của mùa thu qua những kẽ lá, hoa văn trên vỏ cây, hay những cành cây nhỏ đâm qua kẽ tường. Sự thôi thúc cầm ngay điện thoại lên và chụp ảnh chúng vẫn còn, nhưng không thể bởi điện thoại của tôi đã bị tịch thu.
Vì thế tôi chỉ còn cách đứng đó nhìn chằm chằm.
Dần dần, thế giới tin tức biến mất khỏi nhận thức của tôi. Những sự cuốn hút ở khắp mọi nơi của đời sống ảo đã tạo ra một môi trường tâm lý mới mà chúng ta còn lâu mới hiểu được. Nhưng điều quan trọng là chúng ta không được bỏ cuộc.
Có những cuốn sách cần phải đọc, những phong cảnh đẹp cần phải được ngắm nhìn và dạo chơi, những bạn bè bạn cần ở bên cạnh, và chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến. Mối đe dọa này có tính sống còn với cả tâm hồn chúng ta, chúng ta không được phép bỏ cuộc.
Tuổi trẻ