Tôm khô Cà Mau ngon vì được làm từ những con tôm tươi sống dưới tán rừng ngập mặn.
Huyện Ngọc Hiển, nơi có diện tích khoảng 21.000 ha đất nuôi tôm dưới tán rừng đước, rừng mặn vào năm 2011 đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Tôm khô Rạch Gốc”. Theo người dân địa phương, nghề làm tôm khô tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển đã có hàng trăm năm. Sơ khai người dân luộc tôm, phơi khô với mục đích để bảo quản được lâu hơn. Nhưng khi sản phẩm tôm khô được mang đi trao đổi, mua bán dần được nhiều người biết đến, tìm về thu thu mua và tạo nên thương hiệu. Tại huyện Ngọc Hiển dần hình thành các cơ sở chuyên chế biến tôm khô và ngày càng phát triển. Có những cơ sở đã áp dụng các công nghệ chế biến để tăng năng suất và có chất lượng sản phẩm tốt hơn. Quy trình chế biến tôm khô không quá phức tạp. Sau khi tôm nguyên liệu được mua về sẽ được phân loại để đưa vào luộc khoảng 15 – 17 phút. Luộc bằng hơi nóng hay cho nước vào luộc trực tiếp thì cũng phải đảm bảo được đậy thật kín để vỏ tôm phồng lên dễ đập vỏ. Nắng tốt phơi 8 giờ sẽ khô. Sau đó, tôm được mang đi sấy trong thời gian khoảng 30 phút để vỏ tôm giòn, dễ tách vỏ. Việc đập vỏ tôm hay phân loại tôm cũng được thực hiện bằng máy. Sau đó, công nhân phân loại lại 1 lần lữa để đảm bảo kích cỡ tôm đều. “Tôm khô Rạch Gốc” có 2 loại: tôm biển và tôm vuông. Tôm khô được làm từ tôm đất, tôm bạc nuôi tự nhiên trong vuông ngon hơn. Loại tôm khô ngon nhất được làm từ tôm đất tự nhiên. Loại tôm khô này có màu đỏ tươi hơn, đều con và ăn ngọt hơn tất cả các loại tôm khác làm khô. Từ lâu tôm khô Cà Mau đã được người dân cả nước biết đến. Các cơ sở sản xuất tôm khô tại huyện Ngọc Hiển luôn trong tình trạng “làm không đủ bán”. Vào tháng 2/2021, Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam công nhận sản phẩm “Tôm khô Rạch Gốc” nằm trong top 100 đặc sản quà tặng của nước ta.