Tổng giám đốc mới của Công ty PVI là ai?
Vietnam Report mới đây công bố PVI là công ty chiếm thị phần bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam từ năm 2022-2024.
- 29-07-2024PVI: Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 787 tỷ đồng, hoàn thành 73% kế hoạch năm
- 24-05-2024PVI Holdings tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ tức cao, Tập đoàn Dầu khí chuẩn bị lộ trình thoái vốn trước cuối năm 2025
- 22-04-2024PVI Holdings: LNTT hợp nhất quý 1 đạt 446 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ
Công ty CP PVI (mã chứng khoán: PVI) - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm - vừa công bố nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, trong đó gồm một số nội dung liên quan tới nhân sự cấp cao.
Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông PVI đã phê chuẩn việc HĐQT bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Tú giữ chức vụ Tổng giám đốc PVI kể từ ngày 16-8-2024.
Trước khi được bổ nhiệm vị trí này, ông Tú là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL). Ông Tú sinh năm 1972, trình độ cử nhân kế toán, cử nhân ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, ông Tú còn được bầu làm thành viên HĐQT và bà Christine Nagel được bầu làm thành viên độc lập HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Cũng tại đại hội, PVI đã miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Xuân Hòa và miễn nhiệm thành viên độc lập HĐQT đối với bà Tatiana Pecastaing Pierre.
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính mới đây của PVI cho thấy tổng doanh thu hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2024 của PVI đạt 11.278 tỉ đồng, tăng hơn 55% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 787 tỉ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.
So với kế hoạch, PVI đã thực hiện được 65% và 73% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của năm 2024.
Tính đến cuối tháng 6-2024, tổng tài sản của PVI có giá trị 31.545 tỉ đồng, tăng 17% so với đầu năm 2024; vốn chủ sở hữu tăng 7,6%, đạt 8.720 tỉ đồng.
Mới đây, Vietnam Report mới đây đã công bố PVI là công ty chiếm thị phần bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam từ năm 2022-2024.
Hiện tại doanh nghiệp này đang có 3 cổ đông ngoại, gồm Công ty TNHH Funderburk Lighthouse, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và HDI Global SE, cổ đông lớn nhất của PVI.
Mới đây, HDI Global SE đã gom thành công gần 5 triệu cổ phiếu PVI từ ngày 1-7 đến 30-7 trong tổng số 7 triệu cổ phiếu PVI đăng ký. Sau đó, quỹ ngoại này đăng ký mua thêm hơn 3,1 triệu cổ phiếu PVI từ ngày 8-8 đến 5-9, mục đích để đầu tư.
Nếu giao dịch thành công, tỉ lệ sở hữu của HDI Global SE tăng lên 42,39% vốn điều lệ.
Ở chiều ngược lại, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã bán thành công gần 8 triệu cổ phiếu PVI trong 9 triệu cổ phiếu PVI đăng ký, hạ tỉ lệ sở hữu xuống còn 2,63% và không còn là cổ đông lớn tại PVI.
Trên thị trường, cổ phiếu PVI hồi giữa tháng 5- 2024 đến gần cuối tháng 6-2024 đã có pha tăng mạnh, từ mức 50.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 62.000 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó đã điều chỉnh mạnh và hiện đóng cửa tại 53.000 đồng/cổ phiếu nhưng so với đầu năm vẫn tăng 18%.
Người Lao động