Tổng thư ký OECD chỉ ra 3 biện pháp giúp các quốc gia phục hồi kinh tế
Trong phiên thảo luận với chủ đề "Sự tái lập vĩ đại" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tổng thư ký OECD, ông Angel Gurría cho biết nền kinh tế 37 quốc gia thành viên OECD đã suy giảm 9,8% trong tháng 4, 5 và 6 do tác động của Covid-19.
- 28-08-2020Cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế toàn cầu hậu Covid-19: Thế giới thiệt hại 14,7 nghìn tỷ USD trong năm 2020 với kịch bản lạc quan nhất
- 28-08-2020Đại sứ EU tại Việt Nam: Hiệp định thương mại tự do không phải là yếu tố quyết định cho việc đầu tư vào Việt Nam mà là hai nhân tố khác
- 28-08-2020Vietlott xin lỗi khách hàng, công bố cách khắc phục sự cố ngừng bán vé
- 28-08-2020EuroCham: 24% doanh nghiệp thành viên khẳng định tình hình kinh doanh "tốt" hoặc "xuất sắc"
Tại đây, ông cũng khẳng định con đường phục hồi kinh tế còn rất mơ hồ do làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 6% vào năm 2020 nếu kiểm soát tốt trong đợt dịch này. Tuy nhiên, con số này sẽ là 7,6% nếu một làn sóng đại dịch tiếp theo xảy ra trước cuối năm nay.
Mặc dù chính phủ nhiều quốc gia đã thành công trong việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhưng các biện pháp này cũng đã tác động đến hoạt động kinh doanh và gây ra hậu quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới.
Tại phiên thảo luận, Tổng thư ký Angel Gurría đã chỉ ra 3 biện pháp giúp phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ người dân
Chính phủ các nước trên thế giới đã hành động nhanh chóng trong việc bảo vệ nền kinh tế, điển hình như các chính sách kinh tế hay các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Gurría cho rằng điều quan trọng lúc này là không nên rút các gói hỗ trợ này sớm. Bởi điều này sẽ gây ra các tác động tiêu cực mà thực tế đã xảy ra trong quá khứ.
Ông nhấn mạnh: "Hãy nhớ lại sai lầm lớn mà chúng ta đã mắc phải vào năm 2008-2009. Chúng ta đã rút các gói kích thích kinh tế quá vội vàng, chúng ta áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng quá nhanh. Kết quả là sau đó thế giới đã phải đối mặt với hai đợt suy thoái nữa. Vì vậy lần này, chúng ta không thể phạm sai lầm tương tự".
Đào tạo lại những công nhân thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất do đại dịch
Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đang tăng ở mức đáng báo động, với tỷ lệ tăng lên đến 19% tại Tây Ban Nha, 17,5% tại Hoa Kỳ và đối với các nước thành viên OECD, con số này đạt mức 11,4% trong quý II.
Tổng thư ký OECD chỉ ra rằng những người lao động có kỹ năng thấp là nhóm người dễ bị tổn thương nhất và có nguy cơ mất liên kết với thị trường việc làm lâu hơn.
"Điều này sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, do họ là những người khó bắt kịp với thị trường về mặt kỹ năng", ông đề cập.
Ông nói thêm, vấn đề về nhân lực nếu không được giải quyết thoả đáng sẽ dẫn đến bất mãn xã hội và gia tăng áp lực chính trị.
Không rút ngắn chuỗi giá trị toàn cầu
Các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay đang rất dễ bị tổn thương do sự bùng phát đại dịch Covid-19, đặc biệt về nhu cầu khẩn cấp của thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE).
Ông Gurría cảnh báo rằng vấn đề này sẽ dẫn đến việc nhiều ngành sản xuất tiến gần hơn với thị trường cuối cùng hoặc giảm thương mại quốc tế nói chung.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại toàn cầu đối với sự phục hồi kinh tế: "Đừng rút ngắn các chuỗi giá trị. Chúng ta cần đa dạng hoá các chuỗi giá trị, vì nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ kém hiệu quả trong hoạt động kinh tế toàn cầu".
Trí Thức Trẻ