MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM cơ cấu lại thời gian trả nợ gỡ khó cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm giúp khách hàng giảm áp lực vay, đồng thời tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

Ngày 1/5, thông tin với PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết, cơ quan này vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn thành phố triển khai chính sách cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn ngân hàng.

TPHCM cơ cấu lại thời gian trả nợ gỡ khó cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thiếu vốn, doanh nghiệp khó tiếp tục các dự án mở rộng sản xuất.

“Việc gia hạn nợ sẽ trực tiếp tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay khi gặp khó khăn về dòng tiền, thu nhập và doanh thu sụt giảm. Việc người dân và doanh nghiệp được gia hạn nợ, giãn nợ mà không bị chuyển nhóm nợ sẽ giúp họ giảm áp lực trả nợ vay mà vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển” - ông Lệnh nhìn nhận.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn giúp các doanh nghiệp duy trì, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, kích thích các thị trường phát triển qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách toàn diện, cụ thể là Thông tư 02 và Thông tư 03.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất, đặc biệt là lần điều chỉnh gần đây đưa trần lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở xuống giảm còn 5,5%, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 1% xuống 0,5%, qua đó tác động trực tiếp đến lãi suất tiền gửi, làm cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.

Việc giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và khách hàng phản ánh hiệu ứng chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương. Nhờ đó, chi phí sử dụng vốn , chi phí đầu vào sẽ giảm nên đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp” – ông Lệnh nói.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua thực hiện cơ chế cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02) là cơ chế rất hiệu quả trong trường hợp doanh nghiệp, nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng, do thiên tai dịch bệnh… và những biến động khó lường từ yếu tố bên ngoài mang tính khách quan, cần thiết thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp mạnh.

TPHCM cơ cấu lại thời gian trả nợ gỡ khó cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó về vay vốn ngân hàng, hoàn thuế VAT, thiếu đơn hàng xuất khẩu...

Theo đó, cơ chế này sẽ trực tiếp tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay (do khó khăn về dòng tiền, do thu nhập và doanh thu sụt giảm, từ những khó khăn phát sinh về thị trường, về tiêu thụ và trong hoạt động sản xuất kinh doanh...).

Việc được gia hạn nợ, giãn nợ… nhưng không chuyển nhóm nợ, vừa giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay mà vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển. Chính sách này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các thị trường gặp khó khăn và các yêu cầu về tạo động lực mới cho tăng trưởng.

“Hai chính sách của Ngân hàng Nhà nước có tác động trực tiếp và hỗ trợ toàn diện. Việc thực hiện tốt các chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất hợp lý, giảm áp lực về chi phí, về việc trả nợ, từ đó có điều kiện phục hồi sản xuất và tạo lập dòng tiền, nhờ đó tạo động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng” – ông Lệnh nhìn nhận.

Liên quan đến các giải pháp gỡ khó doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Đức Lệnh cũng cho biết, lĩnh vực xuất khẩu thuộc nhóm được vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất thấp, chỉ 4,5%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc công nghiệp chế biến, chế tạo cũng thuộc nhóm được hưởng gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ.

Lý giải việc giải ngân gói này còn chậm, theo ông Lệnh, gói hỗ trợ này sử dụng nguồn ngân sách của Chính phủ và thực hiện thông qua ngân hàng thương mại. Việc phải đảm bảo các điều kiện vay vốn và tâm lý thận trọng trong sử dụng vốn ngân sách nên không tránh khỏi chậm trễ.

“Về vấn đề hạn mức tín dụng, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng 14-15%. Do đó, năm nay nguồn vốn sẽ không bị vướng bởi hạn mức tín dụng” – ông Lệnh cho biết.

Theo Uyên Phương

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên