TPHCM: Cứ 10 chung cư thì có một chung cư tranh chấp
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thống kê trên địa bàn TP, cứ 10 chung cư thì có một chung cư đang tranh chấp.
Cũng theo ông Châu, hiện toàn thành phố có 935 chung cư cao tầng thì đã có đến 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau. Tính ra trung bình cứ 10 chung cư có tương ứng gần một chung cư đang tranh chấp.
Trong số 105 chung cư, có 9 chung cư tranh chấp rất gay gắt, phức tạp, chủ yếu là tranh chấp do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu Ban quản trị; chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư; tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư: nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê...
Trong khi đó, nhiều chung cư khác tranh chấp về vấn đề tài chính và chất lượng chung cư như: tranh chấp về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư của các hộ dân nộp hàng tháng; tranh chấp về chất lượng xây dựng chung cư; chất lượng thiết bị; công trình phòng cháy chữa cháy...
Nhiều trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết; không làm “sổ đỏ” cho người mua nhà qua nhiều năm khiến vụ việc tranh chấp rất gay gắt. Thậm chí, nhiều trường hợp chủ đầu tư còn ngang nhiên thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở không đảm bảo an toàn...
Theo lãnh đạo Horea, để hạn chế những tranh chấp hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn các chủ đầu tư sai phạm.
Theo Nghị định 139/2017, từ ngày 15/1/2018 sẽ tăng mức phạt hàng loạt các lỗi vi phạm của CĐT và ban quản trị chung cư như: Phạt 300 triệu đồng đối với CĐT không bố trí diện tích làm nhà sinh hoạt cộng đồng, tính sai diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong chung cư thuộc sở hữu riêng; phạt 250 triệu - 300 triệu đồng nếu CĐT tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong chung cư có mục đích hỗn hợp; phạt 100 triệu - 150 triệu đồng đối với CĐT không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định; không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định...
Ngoài ra, đối với ban ban quản trị chung cư, phạt từ 50 – 60 triệu đồng vi phạm lỗi quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định; tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung; tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý vận hành chung cư hoặc tự quyết định lựa chọn đơn vị để ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành chung cư mà không thông qua hội nghị nhà chung cư; không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu chi tài chính.
Ngoài các mức phạt trên, nghị định còn buộc chủ đầu tư và ban quản trị phải khắc phục hậu quả như: trả lại hiện trạng ban đầu, hoàn trả tiền tính sai, buộc hủy bỏ quy định tính phí không đúng quy định…
Tiền phong