MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM: Không có chuyện 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè sẽ lên quận, giá nhà đất lại giảm mạnh

19-05-2017 - 08:24 AM | Bất động sản

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM với đại diện các sở ngành và quận huyện ngày 18/5, lãnh đạo TP.HCM vừa khẳng định thành phố sẽ ban hành quyết định ngăn chặn hoạt động của giới đầu nậu, được xem là nguyên nhân chính dẫn đến cơn sốt đất nền tại nhiều khu vực trên địa bàn thời gian qua.

Lãnh đạo Thành phố cho biết đang chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường nhanh chóng sửa đổi Quyết định 33 về phân lô tách thửa. Thành phố khuyến cáo người dân mua đất nên theo dõi thông tin về các chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng, các dự án của các chủ đầu tư thông qua cuộc họp ủy ban hàng tháng của ủy bản. Ví dụ như việc hiện Thành phố đã “bác” chủ trương 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè sẽ lên quận.

“Trong tương lai gần, UBND TP.HCM chưa xem xét đến việc sáp nhập, chia tách quận. Căn cứ theo các tiêu chí hiện hành của Bộ Nội vụ thì các huyện ngoại thành, vùng ven TP.HCM như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi hiện nay chưa đủ điều kiện để nâng cấp lên thành quận nên thành phố chưa có chủ trương”, lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh.

Trước đó, ngay sau khi thông tin về các huyện vùng ven TP.HCM như Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn có thể được quy hoạch lên quận đã xuất hiện nhiều dự đoán về làn sóng đầu tư ồ ạt và đẩy giá nhà đất thuộc những khu vực này sốt nóng. Tuy nhiên, khảo sát thực tế của phóng viên, giá đất những khu này hiện có tăng nhưng chủ yếu là do các yếu tố thị trường, hạ tầng phát triển còn thông tin lên quận vẫn chưa tác động nhiều.

Tại dự án đất nền quy mô hơn 80ha nằm trên đường Trịnh Quang Nghị (huyện Bình Chánh) đã hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, một số tiện ích như trường học, nhà thể thao đang được xây dựng. Theo một môi giới tại đây cho biết, tùy theo đất nhà phố hay biệt thự mà có giá khác nhau. Với đất nhà phố nằm mặt tiền đường khoảng 12m có diện tích khoảng 100m2 đang được bán giá 15 triệu/m2. Thời điểm khoảng 3 tháng trước tết nguyên đán mức giá này khoảng 13,5 triệu/m2.

Còn tại tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn nối dài đến gần cảng Hiệp Phước, giá nhà đất đang có xu hướng xoay chiều so với những tháng đầu năm. Qua tìm hiểu cho thấy, từ đầu năm 2017, nhiều công ty môi giới nhà đất đều dùng thông tin huyện Nhà Bè chuẩn bị được lên quận để "kích" giá nhà đất và thu hút khách hàng. Tuy nhiên, do thông tin không rõ ràng nên giao dịch nhà đất tại khu vực này vẫn không tăng cao như các công ty kỳ vọng.

Một số chuyên gia nhận định rằng năm 2016 giá đất Sài Gòn đã tăng trên diện rộng, nhưng đa phần tập trung vào địa bàn truyền thống là cửa ngõ quen thuộc ở khu Đông - Nam - Tây thành phố. Vì vậy, hiện nay sức nóng thị trường có thể lan tỏa rộng ra các địa bàn mới, ít được chú ý hơn như các huyện vùng ven đang được xem xét quy hoạch lên quận. Điều này có thể dẫn đến khu vực giáp ranh với 3 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn có thể cũng bắt đầu hình thành một mặt bằng giá đất mới trong năm 2017 do tâm lý té nước theo mưa.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nhà đầu tư muốn rót tiền vào nhà đất tại 3 huyện này cần nghiên cứu khảo sát kỹ qua nhiều kênh, đồng thời tỉnh táo trước bẫy giá phổ biến trên thị trường hiện nay. Đó là tình trạng chỉ tăng giá chào bán nhưng khá ít trường hợp ghi nhận tăng giá từ giao dịch thành công.

Thông tin khẳng định các địa bàn trên sẽ không được quy hoạch có thể được xem như một động thái phản hồi khá nhanh chóng trước những ý kiến quan ngại về thực trạng giao dịch nhà đất, nhất là kiến nghị mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về việc cần có giải pháp hiệu quả để hạ nhiệt “cơn sốt” giá đất nền vùng ven thành phố.

Cụ thể, văn bản của Hiệp hội này đề cập, đối tượng tăng giá ảo là đất nền do hoạt động tách thửa, phân lô theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014; hoặc đất thổ vườn trong các khu dân cư nông thôn ở các quận ven và các huyện ngoại thành; thậm chí có cả trường hợp một số khu đất nông nghiệp cũng bị phân lô bán giấy tay trái pháp luật.

Trong vòng một năm qua, giá đất nền đã tăng trên dưới 30%, cá biệt có khu vực giá tăng đến trên dưới 70%. Theo đó, HoREA đã đề xuất 3 giải pháp để hạ nhiệt "sốt giá ảo" đất nền hiện nay.

Thứ nhất, đề nghị thành phố công bố rõ hiện nay chưa có chủ trương chuyển đổi huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận, hoặc thành lập tổ chức hành chính thành phố trong thành phố ở khu Đông, khu Nam, khu Tây Thành phố.

Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư khẩn trương trình các dự án đầu tư "Đại lộ ven sông Sài Gòn"; "Thành phố mới Củ Chi"; "Thành phố ven biển (Marina City) Cần Giờ"... để được xét duyệt theo quy định và sớm công bố kết quả xét duyệt để người dân hiểu rõ thông tin, tránh bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.

Thứ hai, Hiệp hội này đề nghị thành phố sớm ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 về diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa, tạo điều kiện cho các hộ gia đình đông người có nhu cầu tách thửa ra riêng, nhưng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh trường hợp bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thực hiện tách thửa, phân lô bán nền tràn lan, cũng là một nguyên nhân dẫn tới cơn "sốt giá ảo" đất nền như trong thời gian qua, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị và tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Thứ ba, HoREA đề nghị UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của giới đầu nậu, cò đất hiện đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh, có trường hợp nấp bóng người chủ đất, hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, né thuế, trong lúc theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh bất động sản phải có đăng ký kinh doanh, phải có vốn pháp định.

Minh Tú

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên