TPHCM mời gọi các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các tuyến Metro
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) giới thiệu các dự án sắp triển khai của thành phố đến các nhà đầu tư Ấn Độ, trong đó, nổi bật là 12 tuyển đường sắt và 8 dự án công nghệ cao.
- 21-11-2023Quan tâm hàng đầu trong quy hoạch Thủ đô là yếu tố Văn hóa
- 21-11-2023Năm 2024: Láng giềng dự tăng 3,2%, Việt Nam quyết tâm gần gấp đôi con số này
- 21-11-2023Tham nhũng về đất đai, chứng khoán, ngân hàng… gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
TPHCM mời gọi các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các tuyến Metro - Ảnh: VGP/LA
Ngày 21/11, ITPC phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn độ tại TPHCM tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - TPHCM, Việt Nam năm 2023. Chương trình là dịp để các doanh nghiệp của Việt Nam và Ấn Độ gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, nâng cao mối quan hệ đối tác truyền thống, bạn bè gần gũi và thân thiết giữa hai nước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong năm 2022, tổng giá trị thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt 15,05 tỷ USD tăng 13,6% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 7,96 tỷ USD, tăng 26,8%. Tổng giá trị nhập khẩu từ Ấn Độ trong năm 2022 đạt giá trị 7,09 tỷ USD tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam.
Ấn Độ hiện có hơn 400 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Riêng tại TPHCM, tính đến tháng 10/2023, Ấn Độ đang có 237 dự án đầu tư với tổng số vốn lên hơn 130 triệu đô la, đứng thứ 23 trên 120 quốc gia có đầu tư vào TPHCM.
Theo các chuyên gia, hai bên còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển với thị trường hai nước rộng lớn, hàng hóa hai nước có sự bổ sung tốt cho nhau. Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ, Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ.
TPHCM mời gọi các DN tham gia đầu tư Metro, công nghệ cao
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC cho biết, TPHCM với vị trí là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế và là đầu tàu có sức thu hút, sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, TPHCM vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế xã hội của Thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư.
Tại Diễn đàn đại diện ITPC đã giới thiệu tới các DN Ấn Độ các dự án sắp triển khai của thành phố, trong đó, nổi bật là 12 tuyển đường sắt và 8 dự án công nghệ cao.
Theo đó, TPHCM kêu gọi đầu tư hệ thống đường sắt gồm 12 tuyến gồm 9 tuyến đường sắt đô thị (Metro) và 3 tuyến xe điện mặt đất (Monorail). Tổng mức đầu tư gần 437.000 tỷ đồng, tương đương 19 tỷ USD.
Các tuyến đường sắt đô thị gồm Metro số 2 - giai đoạn 2 và giai đoạn 3, Metro số 3A - giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Metro số 3B, Metro số 4, Metro số 4B, Metro số 5 - giai đoạn 2, Metro số 6. Còn lại là các tuyến xe điện mặt đất gồm Monorail số 1, số 2 và số 3.
Theo Phó Giám đốc ITPC Hồ Thị Quyên, việc kêu gọi vốn đầu tư vào 12 dự án giao thông công cộng kể trên nhằm phát huy lợi thế của vùng TPHCM, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị và giải quyết ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng kêu gọi vốn từ Ấn Độ rót vào lĩnh vực công nghệ cao với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm khoa học - công nghệ và là "đầu kéo" mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao phát triển, cung cấp các sản phẩm điện tử, vi mạch bán dẫn chất lượng cao cho đối tác trong và ngoài nước.
Hiện Khu Công nghệ cao TPHCM đang mời gọi đầu tư 8 hạng mục gồm 3 dự án nghiên cứu và phát triển, 4 dự án sản xuất công nghệ cao, 1 dự án dịch vụ công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư tối thiểu của các hạng mục kể trên lần lượt là hơn 35 triệu USD, 180 triệu USD và trên 300 triệu USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, tính đến hết tháng 10 năm 2023, trên địa bàn Thành phố hiện nay có 12.218 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt hơn 82,19 tỷ USD.
TPHCM là nơi tập trung nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng cao với gần 5 triệu lao động được đào tạo, đây là nguồn nhân lực đủ lớn để hỗ trợ Thành phố trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ của Việt Nam.
Báo Chính phủ