TPHCM sẽ có khách sạn nổi, chợ nổi, chèo kayak... trên sông Sài Gòn
Theo thông tin từ Trung tâm báo chí TPHCM, Sở Du lịch TPHCM vừa có văn bản gửi Văn phòng UBND TPHCM về việc hoàn thiện dự thảo Kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch đường thuỷ tại TPHCM giai đoạn 2023- 2025.
- 21-04-2023Chủ tịch TPHCM chỉ đạo khẩn về công tác giải ngân vốn đầu tư công
- 19-04-2023Năng lực cạnh tranh của Hà Nội, TPHCM... và các thành phố trực thuộc Trung ương thay đổi ra sao trong vòng 5 năm qua?
- 17-04-2023Xử lý 29 kiến nghị để TPHCM tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tự tin vững bước đi lên
Du lịch đường thủy là sản phẩm chủ lực
Theo văn bản, Sở Du lịch TPHCM xác định du lịch đường thủy sẽ là một trong những sản phẩm chủ lực thu hút du khách với nhiều loại hình du lịch đa dạng như chèo kayak, đi bus sông, du thuyền, nhà hàng ẩm thực nổi, các khu giải trí về đêm trên toàn tuyến sông Sài Gòn và các sản phẩm tham quan du lịch ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Theo kế hoạch, việc phát triển các sản phẩm đường thủy được chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2023-2024 là các dự án cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như hoàn thiện tuyến du lịch đi Bình Quới, hướng tuyến từ bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Thanh Đa – bến Khu du lịch Bình Quới, tuyến đi Củ Chi, tuyến đi Cần Giờ; làm mới tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè hướng tuyến từ bến Thị Nghè trở về phía thượng lưu đến bến chùa Candaransi trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và ngược lại….
Sở Du lịch sẽ phối hợp các quận dọc tuyến đầu tư dịch vụ vui chơi, giải trí trên mặt nước như chèo kayak, tổ chức các hoạt động team building và kết hợp với một số hoạt động mang tính lễ hội như thả hoa đăng , đua thuyền, sân khấu dưới nước, tái hiện chợ nổi…
Giai đoạn 2024-2025, mở rộng, tăng cường các dịch vụ du lịch trên sông như tái hiện chợ nổi tại khu vực cầu Tân Thuận định kỳ thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần; xây dựng các mô hình phát triển du lịch như loại hình tàu nghỉ cao cấp qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn, Cần Giờ quy mô 50-200 phòng; tàu gỗ nhỏ vừa vận chuyển 10-50 khách nhằm kết nối với các khu vực kênh rạch nhỏ kết hợp với việc tham quan các di tích lịch sử, đình, chùa, làng nghề trên tuyến; Đầu tư tuyến du lịch mới đi quận 7 (hướng tuyến từ bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Tẻ – rạch Ông Lớn – rạch Đỉa) kết hợp với các chương trình trải nghiệm dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước như chèo kayak, ca nô kéo; mở tuyến du lịch mới liên quận 1, 4, 5, 6 và 8 (hướng tuyến từ bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Tẻ – kênh Tàu Hủ đến bến Bình Đông).
Sở du lịch TPHCM cũng dự kiến mở mới nhóm các sản phẩm du lịch thủy tầm xa từ TPHCM đi các tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc (An Giang) để kết nối qua Campuchia. Các tuyến xa sẽ hướng tới phục vụ khách nhu cầu giải trí, thể thao, đánh golf, nghỉ dưỡng, tâm linh…
100 nghìn lượt khách du lịch đường thủy mỗi năm
Ngành du lịch thành phố cũng phấn đấu đạt doanh thu du lịch đường thủy đạt 300 tỉ đồng/năm trong các năm 2023 và 2024 và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Số lượng khách quốc tế đến bằng đường tàu biển cùng thời gian trên đạt khoảng 100.000 lượt khách, doanh thu đạt 500 tỉ đồng/năm.
Sở Du lịch cũng đề xuất UBND TPHCM giao cho Sở Du lịch chủ trì, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và chính sách về giá cho các chương trình du lịch đường thủy.
Giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp các ban ngành liên quan nghiên cứu đề xuất đầu tư xây dựng cảng bến thủy nội địa hành khách – du lịch, kè bảo vệ bờ sông và chỉnh trang đô thị, khu neo đậu phương tiện thủy trên sông, sông Sài Gòn, khu vực Cần Giờ phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách và du lịch bằng đường thủy theo quy định; nghiên cứu giải pháp tăng cường khả năng kết nối mạng lưới đường bộ và đường thủy thông qua hạ tầng, bến bãi dọc hai bên sông.
Sở cũng đề xuất nghiên cứu chọn bến Bạch Đằng là bến trung tâm, làm điểm xuất phát đi các tuyến du lịch đường thủy.
Tiền phong