MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM và Hà Nội là những thị trường BĐS năng động nhất thế giới

27-01-2017 - 08:23 AM | Bất động sản

TP.HCM và Hà Nội của Việt Nam được liệt kê trong top 10 các thành phố trên toàn cầu theo chỉ số tăng trưởng của theo JLL (CMI) với vị trí lần lượt thứ hai và thứ tám. Báo cáo của JLL nhấn mạnh thêm, TP.HCM thậm chí đã vượt qua thung lũng Silicon trong bảng xếp hạng các thành phố tăng trưởng hàng năm.

Năm nay, các thành phố của châu Á chiếm hơn một nửa trong top 10 bảng xếp hạng, thành phố Bangalore của Ấn Độ lần đầu tiên chiếm vị trí đầu bảng thay cho thành phố London sau 2 năm chiếm giữ. Chỉ số này được khảo sát trên 134 các khu vực kinh tế trọng điểm trên toàn cầu, ghi nhận tốc độ thay đổi của nền kinh tế thành phố, thị trường bất động sản thương mại và nhận diện các yếu tố thúc đẩy phát triển chính tại các thành phố này.

Nghiên cứu cho thấy khu vực châu Á Thái Bình Dương là nơi chiếm hơn một nửa trong số 30 thành phố và là những thị trường bất động sản năng động nhất của thế giới, nổi bật với các trung tâm thương mại lớn mới nổi như thành phố Bangalore và TP.HCM.

Tiến sĩ Megan Walters, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, JLL Châu Á Thái Bình Dương đánh giá, công nghệ hiện đang trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển ở những thành phố tại châu Á, khu vực này còn nhiều tiềm năng cho sự đổi mới, cũng như đang hội nhập mạnh mẽ vào mạng lưới toàn cầu.

Theo chỉ số CMI, những thành phố năng động nhất trên thế giới có khả năng nắm bắt xu hướng thay đổi công nghệ, tốc độ dân số tăng trưởng nhanh và mạng lưới kết nối toàn cầu phát triển mạnh.

Sự thành công của hai trung tâm thương mại lớn của Việt Nam gồm TP.HCM và Hà Nội chủ yếu được thúc đẩy bởi nhân khẩu học và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng đáng kể, đồng thời Chính phủ cũng cải thiện tự do hóa môi trường kinh doanh.

Ở Việt Nam, nhờ vào chi phí thấp, thị trường tiêu dùng mở rộng nhanh chóng và nền kinh tế đang dần chuyển đổi theo hướng tập trung vào các hoạt động đem lại nhiều giá trị cao hơn đã giúp thu hút đáng kể FDI và các dự án bất động sản văn phòng, bán lẻ và khách sạn cũng được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Cục Đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã ghi nhận nguồn vốn FDI đăng ký đạt hơn 11,2 tỷ USD trong nửa đầu năm 2016, tăng gần 105% so với cùng kỳ 2015.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, thành phố Bangalore đã và đang củng cố vị trí trung tâm công nghệ toàn cầu của mình, nơi thu hút hàng loạt các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới và các công ty khởi nghiệp thành công. Điều này đã làm tăng mạnh về nguồn cầu bất động sản, cải thiện tình hình giá thuê và đã giúp thành phố này vươn lên vị trí dẫn đầu.

Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh cũng mang đến nhiều thách thức và cơ hội. Những thành phố như Bangalore và TP.HCM sẽ cần phải nỗ lực rất lớn để có thể đạt được mức tăng trưởng nhanh, trong khi đó vẫn phải đối mặt với những vấn đề cấp bách về cơ sở hạ tầng và những mối liên quan đến môi trường.

Chỉ số CMI được nghiên cứu tại 134 thành phố và đánh giá dựa trên 42 yếu tố bao gồm những thay đổi gần đây và các dự kiến về tốc động tăng trưởng của các thành phố như GDP, dân số, sự hiện diện của các trụ sở tập đoàn, các công trình bất động sản thương mại và giá thuê. Các yếu tố khác bao gồm giáo dục, sự đổi mới và môi trường.

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên